Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang được biết đến là khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2015 thuộc tỉnh Lâm Đồng và là Khu Dự trữ sinh quyển (KDTSQ) thứ 9 tại Việt Nam và đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên.

Đọc thêm: LangBiang: Khám phá vẻ đẹp và đặc điểm địa lý của Khu Dự trữ sinh quyển

Bên cạnh đó, với sự khác nhau về địa hình, sinh cảnh và khí hậu thay đổi theo độ cao đã góp phần làm cho KDTSQ Langbiang trở thành trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Nơi đây, không chỉ là nơi tồn tại nhiều loài thực vật có mạch quý hiếm mà còn là môi trường sống của nhiều loài động vật đặc hữu tại Việt Nam.

Trong đó, khu hệ chim tại KDTSQ Langbiang được biết đến là lớp có số lượng loài vô cùng nhiều và góp phần không nhỏ vào sự đa dạng động vật tại đây. Khu hệ chim tại KDTSQ Langbiang còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và là một điểm đến hấp dẫn cho những người quan tâm đến thiên nhiên và động vật hoang dã.

Đọc thêm: Đa dạng sinh học Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang

Hãy cùng WANEE tìm hiểu về sự đa dạng khu hệ chim tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang nhé!

Khu hệ chim
Góc cảnh rừng đầy sương bao phủ tại KDTSQ Langbiang (Nguồn: WANEE)

Tổng quan về khu hệ chim tại KDTSQ Langbiang

Nằm trong vùng chim đặc hữu Cao nguyên Đà Lạt, KDTSQ Langbiang có vùng lõi Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà với diện tích hơn 70.000 ha là VQG duy nhất tại Việt Nam có ba vùng chim quan trọng tầm quốc gia và quốc tế đó là Cổng Trời, Bidoup và Núi Bà.

Khu vực này cùng là một trong những trung tâm đa dạng chim của Việt Nam với khoảng 400 loài chim đã được ghi nhận, trong đó bao gồm nhiều loài và phân loài chim đặc hữu, quý hiếm và bị đe doạ trên quy mô quốc gia và toàn cầu. Bên cạnh đó, vùng đệm của KDTSQ còn có hai vùng chim quan trọng quốc tế khác đó là Tà Nung và hồ Tuyền Lâm.

Do đó, Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang đóng vai trò quan trọng cho các hoạt động nghiên cứu, giám sát và bảo tồn đa dạng sinh học chim trong khu vực Cao nguyên Langbiang nói riêng, Việt Nam và quốc tế nói chung.

Khám phá khu hệ chim tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang
Vẻ đẹp một số loài chim tại KDTSQ Langbiang (Nguồn: Sưu tầm)

Đa dạng thành phần, tính đặc hữu và phân hoá thành phần loài theo đai cao và sinh cảnh là ba đặc trưng nổi bật của khu hệ chim KDTSQ Langbiang. Chiếm khoảng 41,6% tổng số các loài chim hiện có tại Việt Nam (400/962).

Hầu hết sự đa dạng thành phần loài chim tại KDTSQ Langbiang tập trung ở bộ Sẻ (Passeriformes); trong khi đó có sự nghèo nàn về thành phần loài chim ở các bộ Vẹt (Psittaciformes), bộ Sếu (Gruiformes), bộ Mỏ sừng (Bucerotiformes) và bộ Nuốc (Trogoniformes) (Phùng Bá Thịnh et al, 2012; Viện Sinh thái học Miền Nam, 2017).

Bên cạnh đó, sự đa dạng thành phần loài chim chủ yếu là các loài chim rừng, loài định cư là chủ yếu và ít yếu tố di cư (Nguyễn Đăng Hội và Kuznetsov, 2009). Với các yếu tố đặc hữu, quý hiếm, tổng hợp các kết quả nghiên cứu trước đây cho thấy có ít nhất 32 loài chim nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục Đỏ Thế giới (IUCN Red List), Nghị định số 160/2013/NĐ-CP và Nghị định số 06/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh khu hệ chim tại KDTSQ Langbiang thì VQG Bidoup – Núi Bà được xem là một đại diện cho một vùng có khu hệ chim độc đáo nhất tại đây. VQG Bidoup – Núi Bà là một nơi lý tưởng để xem chim tại Việt Nam và khu vực Đông Dương.

Tính đặc hữu khu hệ chim tại VQG Bidoup – Núi Bà nói riêng và KDTSQ Langbiang nói chung có thể được xem là nhân tố quan trọng thu hút nhiều sự chú ý của không chỉ các nhà nghiên cứu khoa học mà còn nhiều nhà thám hiểm, yêu thích và khám phá thiên nhiên, trong đó bao gồm những người thích xem chim.

Một số loài chim độc đáo tại KDTSQ Langbiang

Hút mật họng vàng (Aethopyga gouldiae) – Mrs Gould’s Sunbird

Khám phá khu hệ chim tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang
Hút mật họng vàng (Nguồn: WANEE)

Loài hút mật họng vàng là loài hút mật với bộ lông rất đẹp và quyến rũ ở cá thể đực, với các màu đỏ, vàng, nâu và nổi bật với đỉnh đầu màu tím óng ánh. Chúng thường sống thành cặp hay bầy nhỏ, có khi kiếm ăn chung với các loài chim khác Rẻ quạt họng trắng (Rhipidura albicollis), Bạc má bụng vàng (Parus monticolus).

Chúng là loài thu hút rất nhiều sự quan tâm của những người yêu thiên nhiên, đặc biệt đối với những người xem chim với bộ lông tuyệt đẹp của mình. Thường kiếm ăn chủ yếu ở tầng giữa và tầng cao của tán rừng. Thức ăn chủ yếu là mật hoa, ngoài ra chúng còn ăn côn trùng nhỏ như nhện. Sống chủ yếu ở rừng lá rộng thường xanh, rừng thứ sinh và bìa rừng. Phân bố ở độ cao 1.000 – 2.600 m.

Khướu lưng đỏ (Cutia legalleni) – Vietnamese Cutia

Khám phá khu hệ chim tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang
Khướu lưng đỏ (Nguồn: Sam Thuong)

Khướu lưng đỏ là loài chim đặc hữu Đông Dương thường sống theo bầy nhỏ, đôi khi bắt gặp kiếm ăn theo bầy với các loài chim khác. Kiếm ăn chủ yếu ở tầng giữa và tầng cao của tán rừng. Thức ăn chủ yếu bao gồm côn trùng, hạt và quả.

Sống chủ yếu ở rừng lá rộng thường xanh và rừng hỗn giao lá rộng – lá kim. Phân bố ở độ cao 1.200 – 2.100 m. Bên cạnh đó, số lượng cá thể ngày càng suy giảm nghiêm trọng do mất môi trường và sinh cảnh sống và được xếp hạng Sắp nguy cấp – Near Threaten trong Danh lục Đỏ thế giới (IUCN Red List).

Trèo cây mỏ vàng (Sitta solangiae) – Yellow-billed Nuthatch

Khám phá khu hệ chim tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang
Trèo cây mỏ vàng (Nguồn: Tran Triet)

Chúng là loài chim với kích thước nhỏ, lưng và cánh có màu xanh sáng, phần dưới màu xám. Khuôn mặt màu tía, nổi bật với lông mày và vầng trán đen như mực; mỏ và vành mắt màu vàng sáng.

Trèo cây mỏ vàng là loài chim đặc hữu Đông Dương. Đi lang thang theo nhóm nhỏ hoặc theo cặp, đôi khi hợp thành đàn hỗn hợp, thường di chuyển trong tán cây, đôi khi kiếm ăn theo bầy nhỏ cùng với một số loài chim khác. Chúng là loài chim nhút nhát. Sống chủ yếu ở rừng thường xanh và thức ăn chủ yếu là côn trùng. Phân bố ở độ cao 900 – 2.500 m.

Khướu đầu đen má xám (Trochalopteron yersini) – Collared Laughingthrush

Khám phá khu hệ chim tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang
Khướu đầu đen má xám (Nguồn: Sam Thuong)

Khướu đầu đen má xám là loài chim đặc hữu của Việt Nam, rất dễ để nhận diện so với những loài khác trong khu vực phân bố. Với đầu màu đen, vết đen xám ở hai bên tai, cổ và ngực màu cam, cùng với cánh đa màu xám cam.

Chúng thường sinh sống theo cặp hay bầy nhỏ, có tập tính bảo vệ lãnh thổ rất cao, sẵn sàng dùng những tiếng kêu chói tai của mình để xua đuổi những loài chim khác đến gần lãnh thổ của mình. Chúng thường kiếm ăn ở tầng thấp của tán rừng và mặt đất.

Là loài chim tương đối nhút nhát. Sống chủ yếu ở rừng thường xanh. Ở KDTSQ loài này phân bố ở độ cao trên 1.500 m. Khướu đầu đen má xám có thể được xem là chỉ thị cho sinh cảnh rừng thường xanh núi thấp. Khướu đầu đen má xám được xếp hạng Nguy Cấp – Endangered trong Danh lục Đỏ thế giới (IUCN Red List).

Lách tách gáy đen (Schoeniparus klossi) – Black-crowned Fulvetta

Khám phá khu hệ chim tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang
Lách tách đầu đen (Nguồn: Sam Thuong)

Lách tách đầu đen là loài đặc hữu Việt Nam, với kích thước tương đối nhỏ và bề ngoài dễ thương. Bề ngoài màu nâu. Đỉnh đầu màu đen với những đường sọc nhạt, khuôn mặt nhạt có một dải đen rộng phía trên tai và một chấm đen nhỏ phía dưới mắt.

Chúng có tập tính sống theo nhóm nhỏ, có khi hợp thành bầy và kiếm ăn với những loài chim khác. Kiếm ăn chủ yếu ở tầng giữa và tầng cao của tán rừng. Thức ăn có thể là đồng vật không xương sống cỡ nhỏ. Sống chủ yếu ở rừng thường xanh, rừng thứ sinh và bìa rừng và phân bố ở độ cao 1.500 – 2.100 m.

Sẻ thông họng vàng (Chloris monguilloti) – Vietnamese Greenfinch

Khám phá khu hệ chim tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang
Sẻ thông họng vàng (Nguồn: WANEE)

Sẻ thông họng vàng là loài đặc hữu Việt Nam, với ngoại hình chỉ với hai màu lông đó là màu vàng và đen. Cá thể đực thường có màu đậm hơn con cái, với lưng đen đậm và vẻ sọc đen trên ngực. Con cái có lưng nhiều mảng hơn và sọc mảnh hơn ở ngực so với con đực.

Chúng có tập tính sống theo bầy nhỏ, có khi hợp thành bầy lớn lên đến hơn 20 cá thể. Kiếm ăn chủ yếu ở tầng cao của tán rừng. Thức ăn chủ yếu là hạt thông, ngoài ra đôi khi ăn côn trùng. Ở KDTSQ Langbiang, chúng sống chủ yếu ở rừng thông và trảng cây bụi. Phân bố ở độ cao lên đến 2.000 m. Sẻ thông họng vàng có thể được xem là chỉ thị cho sinh cảnh rừng thông.

Mi langbian (Laniellus langbianis) – Grey-crowned Crocias

Khám phá khu hệ chim tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang
Mi langbian (Nguồn: Hieu Le)

Là loài đặc hữu Việt Nam, được xếp hạng Nguy cấp – Endangered (EN) trong Danh lục Đỏ thế giới (IUCN Red List). Mi langbian với mặt có vệt màu đen trải dài hai bên mắt giống như đeo mặt nạ, lưng màu nâu cam ấm, bụng trắng, và hai bên bụng có những sọc xám đen. Đuôi màu xám dài với đầu trắng ở phía chóp đuôi.

Chúng thường sống theo cặp hay bầy nhỏ, đôi khi tụ tập theo bầy cùng một số loài chim khác. Kiếm ăn chủ yếu ở tầng giữa của tán rừng. Trong KDTSQ Langbiang, Mi langbian sống chủ yếu ở rừng thường xanh, rừng thứ sinh và bìa rừng tiếp giáp với đất canh tác. Phân bố ở độ cao lên đến hơn 2.000 m.

Mỏ chéo (Loxia curvirostra) – Red Crossbill

Khám phá khu hệ chim tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang
Mỏ chéo (Nguồn: Duc Hung)

Mỏ chéo với kích thước cơ thể mập, đầu to với cái mỏ chéo độc đáo được sử dụng để mở hạt giống từ nắp hạt thông. Cá thể đực có màu đỏ hoặc cam nhạt với điểm nhấn màu xám hoặc nâu. Cá thể cái có màu xanh ôliu nhạt.

Chúng là loài sống theo cặp hoặc theo bầy. Kiếm ăn chủ yếu tầng giữa và tầng cao tán rừng. Thức ăn chủ yếu là hạt thông, ngoài ra chúng còn ăn ấu trùng, côn trùng và động vật không xương sống nhỏ. Ở KDTSQ Langbiang, mỏ chéo sống chủ yếu ở rừng Thông, rừng Thông hỗn giao cây lá rộng. Phân bố ở độ cao 1.300 – 2.900 m. Được biết đến là loài chỉ thị cho sinh cảnh rừng thông.

Bạc má đầu xám (Aegithalos concinnus) – Black-throated Tit

Khám phá khu hệ chim tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang
Bạc má đầu xám (Nguồn: Sam Thuong)

Bạc má đầu xám là loài đặc hữu Đông Dương, cá thể trưởng thành có màu xám phía trên, phía dưới màu nhạt, với vành đôi mắt màu vàng, vùng cổ và mặt nạ màu đen được tách bởi màu trắng, hông có màu nâu đỏ nhạt.

Kiếm ăn chủ yếu tầng giữa và tầng cao tán rừng. Tìm kiếm thức ăn một cách linh hoạt trên các nhánh nhỏ, thức ăn chủ yếu côn trùng, ngoài ra có thể ăn ăn hạt, quả. Sống chủ yếu ở rừng lá rộng thường xanh, rừng hỗn giao lá rộng – lá kim, rừng thứ sinh và bìa rừng. Phân bố độ cao 500 – 2.000 m.

Tổng kết

Đây là những thông tin về sự đa dạng khu hệ chim tại KDTSQ Langbiang mà WANEE Vietnam xin gửi đến bạn. WANEE hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích dành cho bạn khi bạn đang tìm hiểu về loài chim tại đây.

Trong hệ chim đa dạng và phong phú này, chúng ta không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp tuyệt vời mà thiên nhiên tặng cho chúng ta mà còn nhận ra trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và giữ gìn sự đa dạng sinh học.

Hãy tiếp tục khám phá, học hỏi và gìn giữ, để Khu Dự trữ Sinh quyển Langbiang không chỉ là điểm đến, mà là hành trình của trái tim chúng ta – mỗi bước đi là một lời hứa, mỗi hơi thở là một ngôn ngữ, để tạo nên bản hòa âm tinh tế của thiên nhiên và con người.

Chúc bạn có những trải nghiệm thiên nhiên một cách trọn vẹn trên mỗi hành trình của mình!

Đọc thêm: Khám phá hệ lưỡng cư đa dạng tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *