Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà được mệnh danh là “Mái Nhà Tây Nguyên” cách Tp. Đà lạt chỉ 50 km theo tỉnh lộ 723. Tên của nó được ghép từ tên của hai đỉnh núi cao nhất là Bidoup (2.287 m) và Núi Bà (2.167 m).

Đây là một trong số những VQG lớn nhất Việt Nam và được UNESCO công nhận là một phần của khu dự trữ sinh quyển Langbiang năm 2005.

Ở bài viết này WANEE team sẽ tổng hợp “Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà Review”

Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà

“Bidoup” theo tiếng K’Ho có nghĩa là “Người đang nằm”. Chuyện kể rằng, xưa kia Bidoup và Núi Bà là hai cô cháu.

Bidoup là cháu còn Núi Bà là cô, người cô luôn lo lắng, chăm sóc cho cháu.

Càng ngày người cháu càng lớn, lớn mãi không ngừng, cao lớn hơn cả cô nên người cô bảo: “Thôi cháu hãy nằm xuống đi, chứ to cao thế này mà cứ đứng thì chạm vào ông trời mất”.

Thế là người cháu nằm xuống, và trở thành đỉnh Bidoup như ngày nay. 

“Theo Truyền thuyết của đồng bào K’Ho”

VỊ TRÍ

VQG Bidoup – Núi Bà thuộc địa bàn hành chính Huyện Lạc Dương và một phần Huyện Đam Rông, Tỉnh Lâm Đồng với độ cao dao động từ 1.400 – 2.287 mét.

Với diện tích khoảng hơn 70.000 ha trong đó:

  • Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 33.582 ha;
  • Phân khu phục hồi sinh thái: 22.854 ha;
  • Phân khu dịch vụ, hành chính: 7.502 ha;
  • Diện tích khác: 6.100,45 ha.

SINH CẢNH

Nằm trên độ cao 1.400m, gồm 2 kiểu rừng thường xanh và rừng cây lá kim. Nơi đây, vừa với chức năng chính là bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn có giá trị kinh tế cơ bản là bảo vệ vùng rừng đầu nguồn của đập chứa nước của thủy điện Đa Nhim.

Hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình với các họ thực vật đặc trưng: Họ Chè (Theaceae), họ Thích (Aceraceae), họ Re (Lauraceae), họ Mộc lan (Magnoliaceae), họ Ðỗ quyên (Ericaceae), họ Hồi (Illiciaceae), họ Hoa hồng (Rosaceae), họ Dẻ (Quercus, Castanopsis, Lithocarpus; Thông 2 lá dẹt (Pinus krempfii), Bách xanh (Calocedrus marcolepis), Pơ mu (Fokienia hodginsii), Thông 5 lá Ðà Lạt (Pinus dalatensis), Bạch tùng (Podocarpus imbricatus), Hồng tùng (Dacrydium pierrei), Du sam (Keteleria evelyniana).

Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà

Trong hệ sinh thái này có kiểu phụ rừng rêu (rừng lùn đỉnh núi) với vô số các loài rêu, địa y và các thực vật phụ sinh;

Hệ sinh thái rừng thưa cây lá kim cận nhiệt đới núi thấp với chủ yếu là Thông 3 lá (Pinus khasya) mọc thuần loại; Tầng dưới thường là cây thuộc họ Dẻ, họ Ðỗ quyên;

Hệ sinh thái rừng tre nứa và tre nứa hỗn giao với cây lá rộng có diện tích 1.821 ha, với loài: Le Núi Dinh (Oxynanthera dinhensis), Lồ ô (Bambusa balcoa, Bambusa procera), Tre diệp (Phyllostachys bambusoides), Tre lau (Gigantochloa pseudoarundinaceae), loài thân gỗ như Mạ sưa (Helicia cochinchinensis).

Chẹo (Engelhardtia wallicluana), Súm (Eurya tricocarpa), Côm (Elacocarpus floribundus), Sảng (Sterculia lanceolota), Sòi (Sapium discolor), Hoàng linh (Peltophorum dasyrachi), Trâm (Eugenia zelianica), Dung (Symplocos cochinchinensis), Hồng quang (Rhodoleya champion), các loài sồi dẻ (Lithocarpus spicata, Lithocarpus microsperma, Lithocarpus garretiana).

Tầng cây bụi có Ba gạc (Evodia calophylla), các loài thuộc chi sa nhân (Amomum), mây song và họ Cau Dừa.

ĐA DẠNG SINH HỌC

Nằm trên quãng đứt gãy của dãy Himalaya thuộc cao nguyên Langbiang, nơi đây có một hệ động – thực vật có thể xem là đặc biệt nhất khu vực Đông Nam Á, với rất nhiều loài đặc hữu và quý hiếm.

Hệ Động Vật

Về Thú: Bao gồm các họ: họ Cầy (Viverridae); họ Chuột (Muridae); họ Khỉ (Cercopithecidae); họ Mèo (Felidae); họ Sóc cây (Sciuridae); họ Chồn (Mustelidae); họ Hươu nai (Cervidae); họ Gấu (Ursidae); họ Trâu bò (Bovidae); họ Nhím (Hystricidae); họ Chuột chù (Soricidae); họ Chồn bay (Cynocephalidae).

Họ Dơi quả (Pteropodidae), họ Cu li (Loricidae), họ Vượn (Hylobatidae), họ Chó (Canidae), họ Lợn (Suidae), họ Cheo cheo (Tragulidae), họ Tê tê (Manidae), họ Sóc bay (Pteromyidae), họ Dúi (Rhizomyidae) …

Về Chim: có họ Khướu (Timaliidae); họ Trĩ (Phasianidae); họ Cu cu (Cuculidae); họ Chào mào (Pycnonotidae); họ Chim chích (Sylviidae) …

Đặc biệt có những loài đặc hữu hẹp như: Mi Langbian (Crocius Langbianus), Khướu đầu đen (Garrulax milleti), Khướu má xám (Garrulax yersini), Sẻ thông họng vàng (Carduelis monguilloti).

Hệ chim Vườn Quốc Gia Bidoup - Núi Bà
Mi Langbiang (Crocius Langbianus). Vườn Quốc Gia Bidoup – Núi Bà

Về Bò sát: Có họ Rắn nước (Columbridae); họ Nhông (Agamidae); họ Rắn hổ (Alapidae); họ Tắc kè (Gekkonidae); họ Kỳ đà (Varanidae); họ Rùa núi (Testudinidae); họ Thằn lằn bóng (Scincidae).

Họ Trăn (Boidae); họ Rắn mống (Xenopeltidae), họ Rắn lục (Viperidae); họ Ba ba (Trionychidae) …
Về Ếch Nhái: có các họ: họ Ếch nhái (Ranidae); họ Nhái bầu (Microhyla); họ Cóc nhà (Bufonidae); họ Ếch cây (Rhacophonidae) …

Thằn lằn chân ngón Bidoup - Núi Bà
Thằn lằn chân ngón Bidoup – Núi Bà

Nguồn gen quý hiếm và đặc hữu; Riêng về đặc hữu hẹp đã thống kê được 91 loài phân bố hẹp ở Lâm Ðồng và các vùng phụ cận như Thông tre (Podocarpus neriifolius), Thông đỏ (Taxus wallichiana) (T. baccata).

Du sam (Keteleria evelyniana), Pơ mu (Fokienia hodginsii), Bách xanh (Calocedrus macrolepsis), Thông hai lá dẹt (Pinus krempfii), Thông 5 lá Ðà Lạt (Pinus dalatensis), Ðỉnh tùng (Cephalotaxus mannii), Hoàng đàn giả (Dacrydium elatum).

Côm Bidoup (Elaeocarpus bidupensis), Chè gò đồng Bidoup (Gordonia bidupensis), Lan Hoàng Thảo Ðà Lạt (Dendrobium dalatensis), Lan Hoàng thảo Lang Biang (Dendrobium langbianensis).

Trà hoa Langbiang (Impatient langbianensis); Chân chim Langbian (Schefflera dongnaiensis var. langbianensis); Cung nữ Langbian (Procris langbianensis) …

Tóm lại lâm phần của vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà là một mẫu chuẩn sinh thái Quốc Gia đặc trưng cho vùng cao nguyên. Ðây là một trong số ít các khu rừng nguyên sinh còn lại ở Việt Nam

Hệ Thực Vật

Hệ thực vật Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà
Hệ thực vật Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà

Loài thực vật: Cho đến nay tại Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà đã ghi nhận được có 1.468 loài, bao gồm Họ Lan (Orchidaceae): 250 loài; Họ Cúc  (Asteraceae):  78 loài; Họ Ðậu  (Fabaceae):  65 loài; Họ Cỏ  (Poaceae):  58 loài; họ Cà phê  (Rubiaceae) 45 loài.

Họ Dẻ  (Fagaceae):  41 loài; Họ Thầu dầu  (Euphorbiaceae):  35 loài; Họ Cói  (Cyperaceae): 33 loài; Họ Hoa hồng  (Rosaceae):  33 loài; Họ Long não  (Lauraceae):  29 loài.

Họ Dâu tằm  (Moraceae):  28 loài; Họ Ðơn nem  (Myrsinaceae):  25 loài; Họ Bạc hà  (Lamiaceae):  22 loài; Họ Ðỗ quyên  (Ericaceae):  21 loài; Họ Chè  (Theaceae):  21 loài …

4 đặc điểm hay ho về người dân Bidoup

1. Thói quen ăn mặc “kín cổng cao tường”

Hầu hết người dân Đà Lạt luôn ăn mặc khá kín đáo và lịch sự. Đến Đà Lạt mà ăn diện kiểu “trên đông dưới hè”, chân mang dép lào hay quần áo hở hang quá thì biết chắc chắn không phải dân gốc ở đây rồi!

Người Đà Lạt tuy quen sống cùng cái lạnh nhưng mỗi khi ra đường vẫn thường trùm áo khoác kín kẽ. Dù trời có nắng đến mấy nhưng vẫn phải khoác cái áo mới chịu được, riết rồi trở thành thói quen khó bỏ!

2. Cách ăn nói đặc trưng không lẫn vào đâu được

Người Đà Lạt có giọng nói tổng hợp nhiều vùng miền nên thường không phát âm sai chữ l – n, v – z. Giọng thì nhỏ nhẹ, rõ ràng từng chữ và không mang đặc trưng của riêng 1 vùng nào cả.

Về cách nói chuyện, ngoài việc hay đệm từ “dạ” vào trước mỗi câu nói của mình thì họ cũng hay đệm từ “tè” vào sau những tính từ như “lạnh tè”, “vui tè”, “hay tè”,… để diễn tả sự phấn khích.

Ngoài ra còn thường thêm từ “hơ” ở cuối câu như “ừ hơ”, “đúng hơ”, “dễ hơ”,… nghe rất đáng yêu. Khi kể chuyện thì người dân hay dùng cụm “xong cái… xong rồi cái…” nên tạo cảm giác kể hoài chưa thấy hết!

3. Đi ngủ rất sớm

Nếu như 8 – 9h tối được xem là giờ lên đồ ra phố của giới trẻ Sài Gòn thì ở Đà Lạt, đó thường là lúc người ta đắp chăn đi ngủ. Vào khoảng thời gian này, bước ra đường sẽ thấy nhiều cửa hàng nhỏ lẻ hay cây xăng bắt đầu dọn dẹp, đóng cửa nghỉ khiến đường xá thưa thớt dần.

Ngoại trừ những ai buôn bán vỉa hè, còn lại người dân ở đây rất ngại phải ra đường trong cái lạnh mười mấy độ về đêm.

4. Nói không với các địa điểm du lịch

Dĩ nhiên do sống ở đây đã lâu nên người dân nơi đây cũng chẳng “mặn mà” lắm với các thể loại như khu du lịch, homestay, quán cafe các kiểu. Đi du lịch Đà Lạt mà dừng lại hỏi đường, hỏi chỗ ăn uống hay mua sắm thì may ra được, chứ đi hỏi địa chỉ mấy homestay, quán cafe, khu du lịch, vui chơi… thì đa số chỉ nhận lại được những cái ú ớ lặng im thôi các bạn ạ!

KHÁM PHÁ – Du lịch Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà

Chớm đông, trời Đà Lạt nắng vàng se lạnh, khích lệ cuộc khám phá Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà (VQG) nhiều bất ngờ thú vị. Theo đường 723 Đà Lạt – Nha Trang, qua vùng rau hoa công nghệ cao, đồi núi trập trùng như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.

Có người bảo “Đèo 723 là đèo đẹp nhất Việt Nam”, đúng vậy. Bởi, hai bên đèo đất đỏ bazan uốn lượn như dải lụa hồng, nhà cửa, biệt thự nhấp nhô, ẩn hiện trong rừng thông đẹp đến nao lòng. Non trưa, chúng tôi đến VQG (tại xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương) cách Đà Lạt khoảng 40km. Ngạc nhiên, dễ chịu và thoải mái là cảm nhận dâng trào, là cảm giác khi lần đầu tiên đến thăm VQG.

Dọc hai bên đường bê tông nhựa, mọc nhiều biệt thự trong rừng thông hoang sơ và kỳ vĩ. Có thể chụp ảnh văn phòng Vườn, đẹp và lãng mạng thư thái như một khu du lịch. Trước khi đi rừng nên kiểm tra các dụng cụ đi rừng và các vật dụng khác.

Vào rừng thăm thác Thiên Thai

Đi trong rừng thông hoang sơ, gió thổi rì rào “bản nhạc rừng” không dứt, không khí thoáng đãng, mát mẻ thật thú vị. Thỉnh thoảng, băng qua những con suối nhỏ, nước chảy róc rách, nhón chân bước trên những hòn đá chênh vênh, cảm giác như vừa thi tốt bài “băng rừng vượt suối” không hề thấy mệt. Khi tiến sâu vào rừng, nghe tiếng thác đổ, vượn kêu, chim hót rất gần.

Vườn Quốc Gia Bidoup - Núi Bà hoàn toàn khác 101 Vườn Quốc gia khác tại Việt Nam
Thác Thiên Thai

Đi thêm vài trăm mét nữa, đến bên một cây khá to, cao khoảng 25m bên lối mòn, có cây Thông đỏ, cùng thời với Khủng long, nằm trong sách đỏ thế giới, làm thuốc trị ung thư rất tốt. Mọi người ồ lên sung sướng. Đi dọc suối độ vài trăm mét, nước rất trong và lạnh, thì gặp thác Thiên Thai hiện ra bất ngờ.

Thác nước giữa rừng sâu, dải nước rộng tung bọt trắng xóa, thật kỳ vĩ và thơ mộng. Hai bên thác, nhiều cành lá cây rừng rủ xuống như “mái tóc mỹ nữ” đẹp đến mê hồn. Lưu lại những bức ảnh thật nhanh những khoảnh khắc hiếm có tại thác.

Chụp xong bộ ảnh thác Thiên Thai, quanh thác còn có nhiều sản vật quý hiếm mà rừng ban tặng. Câu nói “Người Việt Nam nằm trên đống thuốc quý” quả không sai. Lang thang qua những đồi thông xanh thẳm hoang dã, qua khu nuôi cá nước lạnh (cá hồi và cá tằm) sẽ rất thú vị và ấn tượng.

Say nhịp Cồng chiêng Bidoup

Vừa chập tối, bạn sẽ bị “hút hồn” bởi tiếng cồng chiêng thúc giục, mùi thịt nướng than béo ngậy thơm lừng, hương rượu cần nồng cay say men tình. Và các chàng trai, cô gái K’Ho hừng hực quyến rũ trong váy áo thổ cẩm rực rỡ.

Già làng thổi ba hồi tù và, rồi đọc thần chú: “A pô pơ că/ A pô pơ jêng… Từ thời hồng hoang/ Khi chưa có lửa/ Loài người tiền sử/ Ăn gì cũng sống/ Người mọc đầy lông/ Hết mùa ăn lá/ Lại ăn củ mài/ Thần lửa thương tâm/ Bèn thả cục đá/ Từ trên cõi trời/ Rơi vào núi đá/ Hóa thành ngọn lửa/ Thiêu đốt muôn loài/ Cháy thành tro bụi.

Từ đó, loài người mới biết sức mạnh của Thần lửa. Vậy, xin mời vị quý khách cao tuổi khai lửa cùng buôn làng chúng tôi!”.

Tiếng cồng chiêng tấu lên âm vang cả núi rừng, các cô gái sơn cước múa xoang mềm mại, xoay tròn trong vòng lửa đầy ma lực.

Văn hoá âm nhạc Bidoup Núi Bà
Bản sắc dân tộc ở Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà

Rượu cần uống mềm môi chưa say, chỉ say ánh mắt rực lửa của cô gái vít cần. Suốt đêm khuya trong rừng vắng, hòa cùng tiếng chiêng, say múa hát, say rượu cần, say men tình. Nhóm cồng chiêng VQG Bidoup-Núi Bà làm chúng tôi đắm đuối quên đường về…

Thế mới biết, sức hút ma mị của “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” mãnh liệt thật, thế giới tôn vinh là phải.

Thăm “cụ” thông hai lá dẹt 1000 năm tuổi

Thông hai lá dẹt gần 1.000 tuổi phải 3 người ôm mới kín gốc. Xung quanh “Cụ” có hàng trăm cây khác, nhỏ hơn và mọc xa hơn. “Thông hai lá dẹt – tên khoa học Pinus krempfii, trên thế giới chỉ có duy nhất ở VGQ Bidoup – Núi Bà của Việt Nam. Có Nhà thực vật học thế giới ao ước rằng, trước khi chết được thấy cây Thông hai lá dẹt 1.000 tuổi ở Bidoup, là mãn nguyện nhất đời!”.

Quần thể thông hai lá dẹt
Quần thể thông hai lá dẹt

CÂU CHUYỆN

Truyền thuyết khác về tên các ngọn núi

“Truyền thuyết núi Bidoup”: Chuyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa, LangBiang và Bidoup là hai anh ruột. LangBiang yêu Hòn Giao – sơn nữ đẹp nhất vùng. Nhưng Hòn Giao lại yêu Bidoup vì cao lớn khác thường. Thấy vậy, LangBiang cốc nhẹ vào đầu Bidoup và nói “đừng cao nữa, đừng yêu Hòn Giao”.

Núi ở Vườn Quốc Gia Bidoup - Núi Bà
Núi ở Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà

Thương người anh, Bidoup suốt đời “gục mặt xuống” cho bớt cao, sau hóa thành ngọn núi và có dáng như bây giờ. LangBiang rồi cũng lấy được Hòn Giao làm vợ, cả hai khi chết biến thành hai ngọn núi nằm cạnh Bidoup.

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang nằm trong Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà.

Đa dạng sinh học khu vực cao và bao gồm nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng được tìm thấy trong Danh lục đỏ quốc tế. Vùng lõi có hành lang đa dạng sinh học duy trì tính toàn vẹn của 14 hệ sinh thái nhiệt đới ở phía đông của miền Nam Việt Nam và trên toàn Việt Nam nói chung.

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang
Khu dự trữ sinh quyển Langbiang

Nó cũng có chức năng như môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã, bao gồm một số loài được phân loại là hiếm và nguy cấp, chẳng hạn như gấu mặt trời (Helarctos malayanus).

Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là nguồn thu chính của việc làm cho cộng đồng địa phương. Trong số các loại cây trồng, hoa, cà phê và chè là mạnh nhất về doanh thu khu vực.

Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà cũng là một nơi tiềm năng để phát triển du lịch và phát triển các dịch vụ du lịch khác nhau về sinh thái.

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

wanee_outdoor_shop