Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học phong phú nhất trên thế giới với nhiều loại rừng, suối, đầm lầy và rạn san hô. Việt Nam là vị trí của ba trong số 200 vùng sinh thái trên thế giới theo Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Hoang dã (WWF). Birdlife International cũng xếp Việt Nam vào danh sách 5 khu vực chim đặc hữu trên thế giới.

Đọc thêm: 24 loài Linh trưởng Việt Nam

Bên cạnh đó, ta có thể nhắc đến loài bò sát đó là rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam, chúng là hai nhóm rùa đặc trưng tại Việt Nam. Rùa cạn và rùa nước ngọt đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của nhiều khu vực ở Việt Nam và được coi là biểu tượng của sự bền vững và sự sống tồn tại. Tuy nhiên, cả hai loài rùa này đang đối mặt với tình trạng nguy cấp nghiêm trọng do mất môi trường sống, săn bắn và khai thác trái phép.

Việt Nam có 26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa được liệt kê trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES). Trong đó, 4 loài được liệt kê vào Phụ lục I, 20 loài được liệt kê vào Phụ lục II và 1 loài được liệt kê tại Phụ lục III.

Tại bài viết này hãy cũng WANEE tìm hiểu về các loài rù cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam nhé!

Rùa cạn và rùa nước ngọt

Danh lục 26 loài Rùa cạn và Rùa nước ngọt tại Việt Nam và hiện trạng bảo tồn

STTHọ/Tên khoa họcTên thông thườngIUCN
Red List
SĐVNCITES
Họ Rùa đầu to (Platysternidae)
1Platysternon megacephalumRùa đầu toCR (2021)ENI
Họ Rùa đầm (Geoemydidae)
2Cuora amboinensisRùa hộp lưng đenEN (2020)VUII
3Cuora galbinifronsRùa hộp trán vàng miền BắcCR (2020)ENII
4Cuora bourretiRùa hộp trán vàng miền TrungCR (2020)ENI
5Cuora picturataRùa hộp trán vàng miền NamCR (2020)ENI
6Cuora mouhotiiRùa sa nhânEN (2020)II
7Cuora cyclornataRùa hộp ba vạchCR (2020)CRII
8Cyclemys oldhamiiRùa đất Sê-pônEN (2021)II
9Cyclemys pulchristriataRùa đất Pul-kinEN (2021)II
10Cyclemys atriponsRùa đất A-tri-pônEN (2021)II
11Geoemyda spengleriRùa đất Speng-lơEN (2020)II
12Heosemys grandisRất đất lớnCR (2021)VUII
13Heosemys annandaliiRùa răngCR (2021)ENII
14Malayemys subtrijugaRùa ba gờNT (2021)VUII
15Mauremys annamensisRùa Trung BộCR (2020)CRI
16Mauremys muticaRùa câmCR (2021)II
17Mauremys sinensisRùa cổ sọcCR (2021)III
18Sacalia quadriocellataRùa bốn mắtCR (2021)II
19Siebenrockiella crassicollisRùa cổ bựEN (2021)II
Họ Rùa cạn/núi (Testudinidae)
20Indotestudo elongataRùa núi vàngCR (2019)ENII
21Manouria impressaRùa núi viềnEN (2021)VUII
Họ Rùa mai mềm (Trionychidae)
22Amyda ornataBa ba Nam BộVU (2016)VUII
23Palea steindachneriBa ba gaiCR (2021)VUII
24Pelochelys cantoriiGiảiCR (2021)ENII
25Pelodiscus variegatusBa ba bụng đốm
26Rafetus swinhoeiGiải Sin-hoeCR (2021)CRII
(Chú thích: IUCN Red List: Danh lục đỏ Thế giới; SĐVN: Sách đỏ Việt Nam (2007); CR (Critically Endangered): Cực kỳ nguy cấp; EN (Endangred): Nguy cấp; VU (Vulnerable): Sắp nguy cấp; NT (Near threatened): Sắp bị đe dọa)

Thông tin chi tiết và các phân biệt 26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt

Họ Rùa đầu to (Platysternidae)

Rùa đầu to (Platysternon megacephalum) – Big-headed Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Đặc điểm nhận dạng của Rùa đầu to với mai thuôn dài và dẹt (hơi phẳng). Đầu to, hàm trên kéo dài thành mỏ khác hẳn so với các loài rùa khác. Ngoài ra, do đầu to nên không thể thụt vào bên trong mai (A). Đuôi Rùa đầu to dài gần bằng chiều dài với thân (C). Cá thể con non có màu vàng cam và có sọc màu vàng nhạt trên đầu (D).

Chiều dài cơ thể tổng cộng có thể lên đến 40 cm. Cá thể trưởng thành thường có chiều dài vỏ khoảng 15-18 cm. Mai rùa có màu vàng đến nâu, hình chữ nhật với phần trước vuông vắn và phần sau tròn hơn, trong khi bụng thường có màu vàng. Các ngón chân có màng giữa và móng vuốt nhọn. Cả bốn chân đều được bao phủ bởi vảy lớn (B).

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố Rùa đầu to

Môi trường sống chủ yếu ở khu vực vùng núi.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Chủ yếu ở khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
  • Trên thế giới: Ở Cam-pu-chia, Trung Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và Myanmar.

Hình ảnh: IUCN Red List

Họ Rùa đầm (Geoemydidae)

Rùa hộp lưng đen (Cuora amboinensis) – Southeast Asian Box Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa hộp lưng đen có thể nhận dạng dễ dàng qua kiểu mai có dạng hình vòm giống như mũ bảo hiểm và thường có màu xanh ô-liu đậm đến đen (A). Đầu và cổ có các sọc vàng, đặc biệt có một sọc màu vàng nổi bật kéo dài từ cổ đến mũi (B). Các đường sọc từ hàm và mắt giao với nhau ở tai trước khi chạy dài xuống phần cổ phía dưới (C).

Yếm chúng có màu vàng và thưởng có những chấm đen trên từng tấm (ô) của yếm, cùng với đường phân chia giống như tấm bản lề (D). Cá thể trưởng thành của rùa hộp lưng đen có chiều dài cơ thể khoảng 20 – 20,5 cm.

Chế độ ăn của chúng rất đa dạng bao gồm một số loài thực vật, trái cây, nấm và các loại thực vật nước. Chúng cũng ăn sâu bọ, cá và nhiều loại côn trùng khác. Tập tính ăn thưởng sẽ diễn ra trong nước và phù hợp với lối sống chủ yếu trong nước của chúng.

Rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons) – Indochinese Box Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa hộp trán vàng miền Bắc được phân biệt với dạng mai gồ cao với các vệt màu đen khác nhau, các phần xung quanh thường sáng hơn ở giữa. Ở đầu rùa, có nhiều đốm đen và rất khác nhau ở các cá thể khác nhau (đặc điểm này không dùng để phân biệt). Yếm rùa hộp trán vàng miền Bắc hầu như sẽ màu đen cho đến gần đen hoàn toàn. Đặc biệt, ở yếm còn có bản lề, giúp rùa có thể đóng kín cơ thể bên trong mai.

Màu sắc của phần đầu của chúng có thể thấy với sự đa dạng kết hợp của các màu đen, đỏ, cam, vàng, xanh da trời, hồng hoặc trắng. Đặc biệt, ở loài này màu sắc mai của chúng có sự khác nhau giữa các cá thể cùng loài rất khó để phân biệt nếu chỉ nhìn thoáng qua. Chúng có chiều dài cơ thể từ 15-20 cm. Cá thể đực có một phần ở yếm hơi lõm, móng vuốt lớn hơn, đuôi dày và dài hơn so với cái.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố

Rùa hộp trán vàng miền Bắc

Môi trường sống chủ yếu là những khu rừng thường xanh từ độ cao trung bình trở lên từ 500 – 1200 m.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Khu vực miền Bắc từ Quảng Bình trở ra.
  • Trên thế giới: Đông Bắc Lào và tỉnh Quảng Tây và đảo Hải Nam phía nam Trung Quốc.

Hình ảnh: IUCN Red List

Đọc thêm: Khám phá 7 điều thú vị về kiểu rừng kín lá rộng thường xanh nhiệt đới

Rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti) – Bourret’s Box Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa trán vàng miền Trung được phân biệt bởi chiếc mai với dạng gồ cao với các vệt màu đen khác nhau, các vệt ở giữa đen hơn hai bên mai. Đầu rùa có màu sắc sặc sỡ với sự đa dang nhiều màu sắc như màu đen, đỏ, cam, vàng, xanh da trời, hồng và trắng. Trên đầu có nhiều đốm đen với những kích thước khác nhau. Với sự biến đổi màu sắc đa dạng này đã làm cho rùa C. bourreti được biết đến là một trong những loài rùa Châu Á nhiều màu sắc nhất.

Chiều dài cơ thể của loài này từ 15-20 cm. Yếm của chúng có màu vàng, có đốm đen trên mỗi tấm yếm. Đặc biệt, chúng có bản lề giúp rùa có thể đóng kín cơ thể trong mai (A). Cá thể đực một phần yếm dưới hơi lõm, móng vuốt lớn hơn, đuôi dày và dài hơn so với cái.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố

Rùa hộp trán vàng miền Trung

Môi trường sống chủ yếu là những khu rừng thường xanh từ độ cao trung bình trở lên.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Khu vực miền Trung (từ tỉnh Quảng Trị đến Bình Định) và Tây Nguyên.
  • Trên thế giới: Đông Bắc Lào (mới ghi nhận được ở tỉnh Savannakhet, Lào)

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturata) – Southern Viet Nam Box Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa hộp trán vàng miền Nam có dạng mai ngắn hơn, gồ cao với các vệt màu đen khác nhau. Thường là không có màu đen khác nhau. Màu trên mai chủ yếu là một vài đốm nhỏ xung quanh ở rìa mai. Mai chúng chủ yếu có màu nâu đến nâu đậm, hai bên rìa của mai có màu kem.

Đầu chúng có màu kem/vàng với những đường viền như các mạng lưới mờ mờ màu xám nhạt. Màu sắc đầu và các chấm đen rất khác nhau giữa các cá thể trong cùng một loài. Yếm của rùa hộp trán vàng miền Nam có màu vàng sáng và có từng chấm màu đen trên từng tấm yếm cùng với tấm bản lề cho phép rùa có thể đóng kín cơ thể vào bên trong. Chiều dài cơ thể từ 15-19 cm.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố

Rùa hộp trán vàng miền Nam

Môi trường sống chủ yếu là khu rừng thường xanh từ độ cao trung bình trở lên.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên, có thể phân bố ở tỉnh Đăk Lăk và tỉnh Ninh Thuận.
  • Trên thế giới: Chỉ có duy nhất tại Việt Nam. (loài đặc hữu Việt Nam).

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa Sa Nhân (Cuora mouhotii) – Keeled Box Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa sa nhân với hình dạng mai có màu nâu nhạt đến vàng nhạt, xám hoặc có những trường hợp mai màu đen. Phía cuối mai có các tấm rùa hình răng cưa. Bên cạnh đó, trên mai còn có ba giờ lớn và tương đối cao rõ ràng, chạy dọc mai (A). Đỉnh mai phẳng (B). Xung quanh mai thường sẽ có màu tối hơn so với đỉnh mai.

Yếm của chúng có màu từ nâu nhạt cho đến nâu đậm, đôi khi lại có màu vàng. Ở yếm còn có những vệt màu đen ở rìa xen lẫn với các vạch tối màu. Đặc biệt, chúng có tấm bản lề ở yếm giúp chúng có thể đóng một phần cơ thể khi bị tác động (C). Chân rùa sa nhân chỉ có màng một phần nhỏ ở các ngón chân điều này cho thấy rằng rùa có lối sống trên cạn chứ không phải dưới nước. Dành thời gian lớn của mình ẩn náu trong những hố và hang nhỏ.

Cá thể Rùa sa nhân đực và cái có thể được phân biệt bằng màu mắt và móng vuốt của chúng. Rùa đực thường có móng vuốt dài và dày hơn so với rùa cái, mắt của chúng có thể là màu đen hoặc nâu. Rùa cái thường có móng vuốt ngắn, mỏng hơn và mắt của chúng có màu cam hoặc đỏ. Chiều dài cơ thể từ 15 – 25 cm.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố Rùa sa nhân

Môi trường sống chủ yếu là khu vực suối trên cạn, ở những khu rừng thường xanh và đặc biệt ở những sinh cảnh núi đá vôi.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên từ Khánh Hoà trở ra.
  • Trên thế giới: Trung Quốc, Bắc Ấn, Myanmar và Lào.

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa hộp ba vạch (Cuora cyclornata) – Green Rice Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa hộp ba vạch có đặc điểm phân biệt giống như với tên gọi của chúng đó là trên đỉnh mai với ba vạch đen (A). Mai của chúng thường có màu nâu đỏ. Đỉnh đầu có màu cam nâu ô liu với các sọc đen tương đối lớn ở hai bên mặt. Cằm và cổ họng có màu trắng.

Yếm hầu như sẽ màu đen, riêng ngoài viền của yếm sẽ có màu vàng. Đặc biệt, ở yếm có tấm bản lề cho phép rùa có thể đóng một phần cơ thể bên trong mai (B). Ngoài ra, các chi và da của rùa hộp ba vạch thường có màu da cam (C). Chiều dài cơ thể của chúng có thể lên đến 30 cm.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân đồ Rùa hộp ba vạch

Môi trường sống ở trên cạn và cả dưới nước, dọc các con suối ở khu vực rừng thường xanh.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Một số tỉnh miền Bắc, miền Trung, Kon Tum và Gia Lai
  • Trên thế giới: Trung Quốc, Lào

Hình ảnh: Cuora.vn

Rùa đất Sê-pôn (Cyclemys oldhamii) – Oldham’s leaf Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa đất Sê-pôn với mai màu xám, nâu tối hoặc đen. Cá thể rùa trưởng thành thường sẽ có các sọc màu đen nhạt xen kẽ các sọc màu cam ở cổ. Đầu của chúng thường có màu nâu, có những đốm đen trên vùng đỉnh đầu.

Yếm rùa đất Sê-pôn có màu đen. Cá thể trưởng thành có một bạn lề không đóng kín (A), điều này cho phép rùa có thể đóng một phần cơ thể của mình trong mai. Bên cạnh rùa đất Sê-pôn được biết đến mai có màu xanh cam nâu thì còn có những cá thể có màu xám xanh ô-liu đen.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố Rùa đất Sê-pôn

Môi trường sống chủ yếu là suốiđầm lầy ở những khu vực rừng thấp cho đến khu vực rừng ở độ cao trung bình so với mực nước biển.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Một số tỉnh miền Bắc, miền Trung tới tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • Trên thế giới: Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Indonesia và Philippin.

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa đất Pul-kin (Cyclemys pulchristriata) – Eastern Black-bridged Leaf Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa đất Pul-kin với mai có màu xám đến nâu. Cá thể rùa trường thành thường có các sọc màu đen nhạt xen kẽ các sọc màu cam ở cổ. Yếm của chúng thường sẽ có màu vàng và có những sọc ngắn trên các tấm. Rùa trưởng thành thường có bản lề trên yếm cho phép chúng đóng một phần cơ thể bên trong mai (A). Những cá thể chưa trưởng thành có nhiều đốm rõ ràng và sẽ nhạt dần theo độ tuổi.

Đọc thêm: Phát hiện loài rùa đất Pulkin (Eastern Black-bridged Leaf Turtle) tại Núi Dinh – Kỷ lục của khoa học ở miền Nam Việt Nam

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố Rùa đất Pul-kin

Môi trường sống chủ yếu ở suốiđầm lầy ở những khu vực rừng thấp.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Một số tỉnh Tây Nguyên và miền Trung tới tỉnh Thừa Thiên Huế.
  • Trên thế giới: Phía Đông, Campuchia

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa đất A-tri-pôn (Cyclemys atripons) – Western Black-bridged Leaf Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa đất A-tri-pôn với mai có dạng gồ thấp, có gờ giữa lưng rõ ràn. Màu mai chủ yếu màu nâu đỏ sáng hoặc nâu đen. Cổ có màu nâu với các sọc màu đen và cam xen kẽ nhau. Bề rộng các sọc màu đen lớn hơn các sọc màu cam.

Yếm của chúng có màu vàng đậm, có hoặc không có những đường sọc mỏng như dạng tia rẻ quạt màu đen. Bên cạnh đó, yếm có bản lề nhưng không đóng kín. Cá thể con non thường sẽ có các sọc rộng ở đầu, cổ và yếm có các sọc tia đen dang quạt rõ ràng. Cá thể trường thành hầu như yếm sẽ không có hoặc rất ít những sọc tia màu đen. Rùa đất A-tri-pôn với Rùa đất Pul-Kin hầu như rất khó để phân biệt với nhau.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố Rùa đất A-tri-pôn

Môi trường sống chủ yếu ở suốiđầm lầy trong các khu vực rừng thường xanh ở độ cao dưới 1000 m.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Hiện mới chỉ ghi nhận quần thể loài tại đảo Phú Quốc, Kiên Giang (L.T. N et al, 2020). Loài này có thể phân bố ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
  • Trên thế giới: Thái Lan và Cam-pu-chia.

Hình ảnh: IUCN Red List

First record of Western Black-Bridged Leaf Turtle, Cyclemys atripons Iverson & McCord, 1997 (Testudines, Geoemydidae), in Vietnam (L.T. Nguyen et al, 2020)

Rùa đất Speng-lơ (Geoemyda spengleri) – Black-breasted Leaf Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa đất Speng-lơ là loại rùa có kích thước tương đối nhỏ từ 13 – 15 cm tổng chiều dài cơ thể. Mai của chúng thường có màu cam, nâu, xám hoặc màu nâu nhạt. Trên mai còn có ba gờ cao rõ rệt, viền mai sau có dạng hình răng cưa.

Mắt lồi to và con ngươi tròn màu đen. Yếm chúng sẽ có màu đen và có 2 vệt màu vàng hai bên rõ ràng. Đặc biệt, yếm không có bản lề. Cá thể rùa đất Speng-lơ trưởng thành thường sẽ có hai đường sọc (viền) màu vàng mỏng chạy từ đầu đến cổ với các đốm màu đỏ hoặc thậm chí màu xanh.

Cách chính xác nhất để phân biệt giới tính là so sánh kích thước đuôi. Các cá thể đực thường có đuôi dài và rộng hơn cái. Theo Hofer (2000) nhận thấy rằng, các con đực thường có đuôi thẳng trong khi cái đuôi ngắn và bị che khuất bởi chiếc mai.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố Rùa đất Speng-lơ

Môi trường sống chủ yếu là ở trên cạn, những khu vực núirừng thường xanh.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Các tỉnh miền Bắc, miền Trung đến tỉnh Quảng Bình.
  • Trên thế giới: Trung Quốc, Lào

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa đất lớn (Heosemys grandis) – Giant Asian Pond Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa đất lớn có thể được phân biệt qua một cái gờ rõ rệt màu vàng nhạt chạy dọc trên mai (A). Tùy thuộc vào từng cá thể rùa đất lớn mà gờ màu vàng trên mai sẽ thể hiện rất rõ. Đầu chúng có những chấm màu cam và đen. Cá thể trưởng thành của loài rùa này có chiều dài cơ thể lên đến 48 cm.

Yếm của chúng thường sẽ có màu vàng và có các tia màu đen hình dạng giống rẻ quạt tỏa ra từ một góc (chùm) của mỗi tấm yếm (B). Đặc biệt, rùa đất lớn không có bản lề ở yếm do đó chúng không thể đóng một phần cơ thể của mình vào trong mai.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố Rùa đất lớn

Môi trường sống chủ yếu ở những khu vực suốiđầm lầy.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Các tỉnh miền Nam từ Đăk Lăk trở vào và có thể phân bố ở phía Tây Gia Lai và Kon Tum.
  • Trên thế giới: Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Thái Lan.

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa răng (Heosemys annandalii) – Yellow-headed Temple Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa răng được biết đến là một loài rùa lớn trong họ Geoemylidae với chiều dài cơ thể lên đến 51 cm. Mai của chúng có dạng thuông dài và có màu xám đậm đến đen. Đầu chúng thường sẽ có màu vàng nhạt với các đốm đen phân bổ không đều và kích thước đầu rất nhỏ so với mai.

Yếm của chúng thường sẽ có hai dạng màu sắc. Có những cá thể yếm sẽ có màu đen hoàn toàn với những mảng vàng và sẽ có dạng yếm màu vàng và xen kẽ những đốm đen. Bên cạnh đó, một đặc điểm để phân biệt so với những loài rùa khác đó là hàm có các khứa hình răng cũng vì đặc điểm này mà chúng được đặt tên là rùa răng (A).

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố Rùa răng

Môi trường sống chủ yếu ở những vực suối, hồ, đầm lầy, các dòng sông tĩnh và các vùng nước lợ.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long đến tỉnh Đồng Nai.
  • Trên thế giới: Campuchia, Lào, Malaysia và Thái Lan

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa ba gờ (Malayemys subtrijuga) – Mekong Snail-eating Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa ba giờ với mai màu sẫm và có ba gờ rõ ràng trên đỉnh mai. Đầu chúng khá lớn, mắt có 3 vòng tròn màu trắng (A) và có từ 4-5 sọc màu trắng ngà hơi chút vàng quanh mũi (B) đây cũng là đặc điểm để phân biệt so với những loài rùa khác.

Yếm của rùa ba gờ cứng, màu vàng và có những đốm đen khá lớn với hình dáng mảng hình chữ nhật trên mỗi tấm vảy.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố Rùa ba gờ

Môi trường sống chủ yếu ở đầm lầy, kênh rạch nơi có lớp thực vật thủy sinh dày và ở những khu vực nước nông, chảy chậm.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Những khu vực đất thấp của miền Nam từ Đak Lak trở vào.
  • Trên thế giới: Campuchia, Indonesia, Lào và Thái Lan.

Hình ảnh: IUCn Red List

Rùa Trung bộ (Mauremys annamensis) – Vietnamese Pond Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa Trung Bộ là loài rùa với kích thước trung bình, với chiều dài cơ thể từ khoảng 17 – 25 cm. Đặc biệt, cá thể rùa cái thường sẽ có chiều dài cơ thể lớn hơn rùa đực. Mai của chúng thường sẽ có màu nâu hạt dẻ cho đến nâu sẫm, đôi khi lại màu xám và thấm chí có khi màu đen. Với dạng mai hình Ô-van, không gồ cao nhiều. Đầu có hai hoặc ba vạch màu vàng và có một vạch đi qua mắt (A).

Yếm của Rùa Trung Bộ có những vệt đậm màu đối xứng trên từng tấm yếm và có viền vàng xung quanh. Đặc biệt, yếm không có bản lề nên không thể đóng kín một phần cơ thể vào trong mai. Cá thể con non có bề ngoài tương đối giống vói cá thể trưởng thành.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố của Rùa Trung Bộ

Môi trường sống chủ yếu là ở hồ, đầm lầy, sông chảy chậm.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Là loài đặc hữu của Việt Nam, sống chủ yếu tại khu vực đất ngập nước các tỉnh thuộc miền Trung, từ Đà Nẵng đến Đăk Lăk.
  • Trên thế giới: Chỉ phân bố tại Việt Nam.

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa câm (Mauremys mutica) – Yellow Pond Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa câm là loài rùa có kích thước trung bình, chiều dài cơ thể của chùng từ 15 – 20 cm. Mai của rùa câm có màu nâu vàng hoặc nâu gụ, có dạng thuôn dài với mõm tròn. Đầu có màu nâu xám, hai bên má có màu vàng nhạt. Trên đầu có một sọc màu kem kéo dài từ mỗi mắt đến phía sau đầu.

Cổ họng chúng có màu trắng hoặc màu kem. Yếm của rùa câm có màu vàng với một đốm đen rõ rệt ở mỗi tấm vảy. Chân có màu xám, bàn chân có móng vuốt nhọn.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố của Rùa câm

Môi trường sống chủ yếu là ở đầm lầysông chảy chậm.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Các tỉnh miền Bắc đến tỉnh Quảng Nam.
  • Trên thế giới: Trung Quốc bao gồm cả Đài Loan, Nhật Bản.

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa cổ sọc (Mauremys sinensis) – Chinese Stripe-necked Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa cổ sọc với mai có màu xanh xám đến nâu đen, mai gồ cao và có gờ sống lưng rõ rệt. Đầu, cổ và chi trước có nhiều đường sọc mảnh trắng vàng nhạt hiện rõ trên nền da màu nâu vàng nhạt, đây cũng là đặc điểm giúp phân biệt với những loài rùa khác (A).

Yếm màu tối, mỗi tấm yếm có vệt nối nâu xẫm, giới hạn giữa các tấm yếm bằng đường nối trắng nhạt. Đuôi có gai nhọn, trên đuôi có những vệt tạo thành đường liên tục hay gián đoạn. Đặc điểm con non tương tự con trưởng thành.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố của Rùa cổ sọc

Môi trường sống chủ yếu là khu vực hồ, đầm lầysông chảy chậm.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Các tỉnh phía Bắc và miền Trung đến tỉnh Quãng Ngãi.
  • Trên thế giới: Trung Quốc, Đài Loan và Lào.

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa bốn mắt (Sacalia quadriocellata) – Four-eyed Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa bốn mắt có dạng mai hình Ô-van, có màu xám đậm đến nâu và viền mai nhẵn. Đặc biệt, ở đầu của rùa có bốn đốm tương đối rất rõ rệt, đây cũng là đặc điểm giúp phân biệt với những loài rùa khác. Bốn đốm này nhìn giống như mắt bởi vì thế mà chúng được đặt với tên là rùa bốn mắt.

Cá thể đực thường sẽ có đốm màu xanh nhạt, cá thể cái và con non có màu vàng tươi. Những đốm này ở cá thể đực sẽ chuyển dần sang màu xanh khi trưởng thành. Yếm của rùa bốn mắt có màu sắc khác nhau tuỳ thuộc vào giới tình và độ tuổi của chúng. Yếm của cá thể cái thường có màu vàng nhạt hoặc màu kem, có thể có những vạch hoặc đốm đen. Trong khi con đực có màu cam hoặc các đốm hơi đỏ.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố của Rùa bốn mắt

Môi trường sống chủ yếu là khu vực suối trong những khu rừng thường xanh.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Khu vực miền Bắc và miền Trung từ Khánh Hoà trở ra.
  • Trên thế giới: Lào và phía Nam Trung Quốc.

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa cổ bự (Siebenrockiella crassicollis) – Black Marsh Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa cổ bự có mai hầu như màu đen toàn bộ, đôi lúc sẽ có một vài vệt màu nâu. Đầu của chúng có màu xanh đen với một chấm lớn màu trắng về phía sau mỗi mắt (A) và một vài chấm mờ khác xung quanh miệng và cằm, đấy cũng là đặc điểm giúp phân biệt với những loài rùa khác. Đầu tương đối rộng có hàm cong (giống như đang cười).

Yếm có màu đen hoặc gần như đen toàn bộ, với các đốm đen đậm bao phủ gần hết mỗi tấm yếm. Chiều dài cơ thể có thể đến 20 cm. Những cá thể rùa con có hình thái tương đối giống với cá thể trưởng thành.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố của Rùa cổ bự

Môi trường sống chủ yếu ở đầm lầy, hồ, kênh rạch, sông tĩnh và các khu vực đất ngập nước.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Khu vực đất thấp các tỉnh phía Nam từ Ninh thuận trở vào.
  • Trên thế giới: Campuchia, Indonesia, Malaysia, Myanmar và Thái Lan.

Hình ảnh: IUCN Red List

Họ Rùa cạn/núi (Testudinidae)

Rùa núi vàng (Indotestudo elongata) – Elongated Tortoise

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa núi vàng với hình dạng mai thuôn dài, có màu vàng và thường có các đốm đen ở mỗi tấm mai. Một số cá thể có mai hơi đen với viền màu nâu nhạt ở mỗi tấm mai. Đầu có màu vàng thẫm.

Yếm của rùa núi vàng có màu vàng với các đốm đen lớn tập trung ở 2 tấm yếm ở giữa. Chân có nhiều những vảy lớn và rõ rệt. Cá thể trường thành có chiều dài cơ thể lên đến 30 cm. Con đực cũng có đuôi lớn hơn nhiều so với con cái. Con đực có yếm lõm trong khi yếm của con cái phẳng. Ngoài ra, các móng sau của con cái dài hơn và cong hơn rõ rệt so với móng vuốt của con đực.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố của Rùa núi vàng

Môi trường sống chủ yếu là ở trên cạn, ở những vùng đồi núi cao.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Khu vực miền Bắc, miền Trung và một số tỉnh miền Nam.
  • Trên thế giới: Băng-la-đét, Lào, Myanmar, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Nê-pan và Thái Lan.

Hình ảnh: IUCN Red List

Rùa núi viền (Manouria impressa) – Impressed Tortoise

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa núi viền là loài rùa có kích thước tương đối lớn với chiều dài cơ thể có thể đạt đến 30 cm. Với dạng mai màu vàng nhạt đến vàng nâu hoặc xám với các đường viền giống răng cưa ở viền mai trước và phía sau. Các tấm trên mai phẳng hoặc lõm xuống.

Đầu chúng lớn, có màu từ vàng nhạt tới màu xám đen. Chân trước lớn và có vảy dày. Yếm của rùa núi viền rất khác nhau của từng cá thể, thường sẽ có mùa vàng kèm theo vài đốm đen hoặc có thể có hình ngôi sao màu vàng hoặc có nhiều vệt lớn.

Hai chân sau có 2 cựa rõ rệt ở mỗi chân lồi ra giống đuôi nên nó còn được gọi với một tên khác đó là rùa ba đuôi (A).

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố của Rùa núi viền

Môi trường sống chủ yếu chủ yếu ở trên cạn, ở những khu vực rừng thường xanhđộ cao trên 800 m so với mực nước biển.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Khu vực vùng núi ở miền Bắc và miền Trung tới tỉnh Bình Phước.
  • Trên thế giới: Campuchia, Trung Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar và Thái Lan.

Hình ảnh: IUCN Red List

Họ Rùa mai mềm (Trionychidae)

Ba ba Nam Bộ (Amyda ornata/cartilaginea) – Asiatic Softshell Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa Ba ba Nam Bộ là loài rùa mai mềm với kích thước lớn với mai màu nâu hoặc xám. Mai của cá thể trường thành thường khá nhẵn, không có các gai hay nốt sần ngoại trừ một hàng các nốt sần nhỏ dọc theo rùa trước.

Đầu chúng thường có màu nâu hoặc xám, có các đốm màu vàng đặc biệt là con non, mũi dài giống như cái vòi. Yếm của Ba ba Nam Bộ có màu trắng hoặc màu trắng nhạt. Sau cổ, dọc theo rìa trước của mai có các nốt sần (A) và có một nốt sần lớn rõ rệt ở mỗi bên cổ (B). Cá thể trường thành có chiều dài cơ thể có thể lến đến 85 cm (Mardiastuti 2008). Cá thể con non thường sẽ có các châm hoặc đốm màu vàng trên mai.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố của Ba ba Nam Bộ

Môi trường sống chủ yếu là ở đầm lầy, suối và các khu vực nước rộng.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Một số tỉnh miền Trung , Tây Nguyên và Nam bộ.
  • Trên thế giới: Campuchia, Ấn Độ, Bru-nây, Indonesia (Sumatra, Java, Kalimantan), Lào, Malaysia, Singapo và Thái Lan.

Hình ảnh: US National Park service

Ba ba gai (Palea steindachneri) – Wattle-necked Softshell Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Rùa ba ba gai có mai màu nâu đến xám xanh vời nhiều nốt sần không đều. Chùng có cổ và mũi dài như một cái vòi giống với Ba ba Nam Bộ (Amyda ornata/cartilaginea)Ba ba trơn (Pelodiscus sinensis).

Đặc điểm nhận dạng chính của Ba ba gai là các vết gấp của da sần tạo thành đám sần ở cổ (A), nhìn thấy rõ nhất ở đặc điểm này khi chúng thò cổ dài ra. Yếm của Ba ba gai gần như có màu trắng toàn bộ, có vài vết mờ hoặc các vết lốm đốm.

Ba ba gai là loài rùa da có kích thước lớn với cá thể trường thành có chiều dài cơ thể lên đến hơn 40 cm. Cá thể con non thường sẽ có một vệt trắng nhạt màu viền đen lớn từ phía sau mắt đến đầu.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố của Rùa Ba ba gai

Môi trường sống ưa thích ở suối của các khu vực vùng đồi và các con sông

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Khu vực miền Bắc và một số tỉnh miền Trung.
  • Trên thế giới: Trung Quốc và Lào

Hình ảnh: IUCN Red List

Giải (Pelochelys cantorii) – Asian Giant Softshell Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Giải là loại rùa mai mềm với mai dạng hình tròn có màu nâu xanh. Chúng không có mũi dài như các loài rùa mai mềm khác và sở hữu gương mặt giống mặt ếch, đây cũng là đặc điểm để có thể phân biệt với những loài rùa mai mềm khác.

Vùng da xung quanh cổ kéo dài ra phía sau cùng với phần rìa phía trước của mai (A). Yếm của chúng toàn bộ là màu trắng. Chúng là một loại rùa mai mềm có kích thước lớn, cá thể trưởng thành chiều dài cơ thể có thể lên đến 60 cm.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố của Giải

Môi trường sống ưa thích khu vực sông lớn, tĩnh.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
  • Trên thế giới: Băng-la-đét, Lào, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia, Myanmar, Phillipin và Thái Lan

Hình ảnh: IUCN Red List

Ba ba bụng đốm (Pelodiscus variegatus) – Spotted Softshell Turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Ba ba bụng đốm với mai thường sẽ có màu vàng nâu với các đốm màu đen lớn, có các gờ da liền mạch dọc mai. Phía sau mai thường có các nốt sần. Mũi dài giống ba ba trơn, phần dưới cằm và cổ có các đốm màu trắng ngà.

Cá thể trưởng thành có yếm màu trắng hồng với các đốm đen đậm đối xứng, đây cũng là đặc điểm để phân biệt với những loài rùa mai mềm khác. Cá thể con non bụng có màu da cam với những đốm đen đối xứng.

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố của Ba ba bụng đốm

Môi trường sống chủ yếu là ở ao, hồ, sông, suối và các khu vực đất ngập nước.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Khu vực miền bắc và một số tỉnh miền Trung.
  • Trên thế giới: Hiện mới được ghi nhận ở đảo Hải Nam, Trung Quốc.

Hình ảnh: Balázs Farkas

(Chấm xanh biển: Vị trí phân bố của Ba ba đốm)

Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei) – Hoan Kiem (Sword Lake) turtle

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Giải Sin-hoe là loài rùa nước ngọt mai mềm lớn nhất trên thế giới. Cá thể trưởng thành có kích thước có thể lên đến 86 cm. Mai nhẵn và có màu xanh ô liu, rùa có khuôn mặt kỳ quặc với đôi mắt nhỏ và mõm nhọn, ngắn hơn mũi một số loài rùa mai mềm khác. Đầu và cằm có màu vàng với các đốm hoặc vằn màu đậm, ở trên đỉnh có màu tối hơn.

Giải Sin-hoe có thể phân biệt với các loài rùa mai mềm khác dựa vào đặc điểm mũi ngắn hơn, không có nếp gấp tạo thành đám sần ở phía cổ như loài Ba ba gai hay các nốt sần dọc rìa trước của mai như loài Ba ba Nam Bộ

26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam - Khám phá và bảo tồn

Bản đồ phân bố của Giải Sin-hoe

Môi trường sống chủ yếu ở các sông lớn, hệ thống đầm lầy, hồ rộng có cấu tạo phức tạp.

Khu vực phân bố:

  • Việt Nam: Miền Bắc
  • Trên thế giới: Trung Quốc

Hình ảnh: VOL. 10, NO. 1, 2012 International Society for the History and Bibliography of Herpetology

VOL. 10, NO. 1, 2012 International Society for the History and Bibliography of Herpetology

Tổng kết

Phía trên là những thông tin về 26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam mà WANEE Vietnam xin gửi đến bạn. Hy vọng đây sẽ là những thông tin hữu ích dành cho bạn khi bạn muốn tìm hiều về các loài rùa này.

Các loài rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam hầu hết đều đang suy giảm nghiêm trọng. Sau bài viết này WANEE mong muốn các bạn đọc có thể hiểu hơn về chúng và đồng hành trong việc bảo tồn bằng việc lên án những hành vi săn bắt, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, thu thập mẫu vật các loài rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam. Hãy lập tức thông báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện những hành vi nào liên quan đến việc làm tổn thương chúng.

Chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuốc sống!

Đọc thêm: 10 loài Linh trưởng cực kỳ nguy cấp (Critically Endangered Species) của Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *