Hiện nay, đô thị hóa ngày càng phát triển cùng với dân số ngày càng tăng, do đó môi trường sống của các loài động vật hoang dã đang bị tàn phá nghiêm trọng. Ví dụ như người dân khai thác rừng để làm rẫy, khai hoang rừng để xây dựng đường xá vận chuyển hàng hóa hay xây dựng các khu du lịch, resort ven biển để phục vụ cho việc phát triển du lịch trong nước,… Và những điều này đều gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống của các loài động vật hoang dã.

Bên cạnh những hoạt động phát triển kinh tế, thì việc săn bắt động vật hoang dã trái phép tại Việt Nam ngày càng tăng. Việt Nam bị đánh giá là quốc gia trung chuyển và là thị trường tiêu thụ động vật hoang dã lớn trên thế giới.

Chính vì vậy, số lượng các loài động vật hoang dã ngày càng giảm sút nghiêm trọng dẫn đến có một số loài được xếp vào danh mục nguy cấp của Sách đỏ Việt Nam cũng như trên Danh mục đỏ thế giới (IUCN). Vậy hãy cùng WANEE tìm hiểu về tài liệu lưu trữ các loài động thực vật nguy cấp như Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới (IUCN) là như thế nào nhé!

Nguy cấp

Tài liệu về danh lục các loài nguy cấp tại Việt Nam

Công ước CITES

Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES) là một hiệp ước đa phương. Công ước được đưa ra ký kết năm 1973 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 1975. Tới nay, với 175 quốc gia thành viên, CITES là Hiệp ước quốc tế về bảo tồn có số lượng thành viên lớn nhất toàn cầu.

Mục đích của Công ước CITES nhằm đảm bảo rằng việc thương mại quốc tế các tiêu bản của các loài động vật và thực vật hoang dã mà không đe dọa sự sống còn của các loài này trong tự nhiên, và nó cũng đưa ra nhiều cấp độ khác nhau để bảo vệ hơn 34.000 loài động và thực vật.

Việt Nam tham gia vào Công ước CITES năm 1994 và trở thành thành viên thứ 121/178 quốc gia. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là Cơ quan đầu mối quốc gia thực hiện Công ước.

Nguy cấp

Phụ lục của công ước CITES

Các nước thành viên trong công ước thực hiện việc cấm buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng. Gần 5.000 loài động vật và 29.000 loài thực vật được đưa vào danh sách cần được bảo vệ. Các loài này được liệt kê theo 3 phụ lục.

Phụ lục I

Là những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng, bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại;

Các loài động vật nổi tiếng được liệt kê trong phụ lục I gồm: Tất cả các loài Tê giác; Gấu trúc đỏ; Khỉ đột phía Tây; Tinh tinh (Pan spp.); Báo hoa mai; Báo đốm; Báo săn; Voi châu Á; Hổ (Panthera tigris); Sư tử châu Á; một số quần thể của Voi đồng cỏ châu Phi; Cá cúi và Lợn biển (Sirenia).

Phụ lục II

Là những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể sẽ bị tuyệt chủng, nếu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật những loài này khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại không được kiểm soát.

Một số loài được liệt kê trong phụ lục II như: Cá mập trắng lớn; Gấu đen Bắc Mỹ; Ngựa vằn hoang hartman; Vẹt xám châu Phi; Cự đà xanh; Bẹ hồng; Thằn lằn Varanus mertensi; Nhạc ngựa (Guaiacum officinale).

Phụ lục III

Là những loài động vật, thực vật hoang dã mà một quốc gia thành viên CITES yêu cầu các quốc gia thành viên khác hợp tác để kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại.

Để thực thi các nghĩa vụ đã cam kết trong khuôn khổ Công ước CITES, Việt Nam đã xây dựng một hệ thống chính sách về bảo vệ và buôn bán động thực vật hoang dã (BBĐTVHD) tương đối đầy đủ ở nhiều mức độ từ chính sách, văn bản luật và dưới luật.

Hệ thống chính sách, quy định pháp luật về BBĐTVHD đã được ban hành tương đối sớm và luôn được bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế ở Việt Nam và phù hợp với các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia như CITES, CBD và Nghị định thư CARTAGENA, cụ thể như: Bộ Luật hình sự năm 2017 và Luật Lâm nghiệp năm 2017.

Sách đỏ Việt Nam

Sách đỏ (Red Data Book) được coi là tài liệu có tính chất quốc gia và mang ý nghĩa quốc tế, công bố các loài động vật, thực vật thuộc loại quý hiếm ở mỗi nước và trên toàn thế giới đang bị đe dọa giảm sút số lượng hoặc đã có nguy cơ bị tuyệt chủng cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.

Công ước CITES, Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới IUCN các loài nguy cấp là gì?
Sách đỏ Việt Nam (2007) (Nguồn: Sưu tầm)

Đây là cơ sở khoa học, tạo cơ sở pháp lý cho việc đề xuất, quyết định các biện pháp bảo vệ, phục hồi đối với từng đối tượng thuộc loại này, đồng thời cũng là căn cứ để xử lý các hành vi phá hoại thiên nhiên, gây tác hại cho sự tồn tại, phát triển của các loài sinh vật cần được bảo vệ trong hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên sinh vật ở mỗi nước…

Dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá tình trạng các loài của IUCN, chính phủ Việt Nam cũng công bố Sách Đỏ Việt Nam để hướng dẫn, thúc đẩy công tác bảo vệ tài nguyên sinh vật thiên nhiên. Đây cũng là tài liệu khoa học dược sử dụng vào việc soạn thảo và ban hành các qui định, luật pháp của Nhà nước về bảo vệ tài nguyên sinh vật thiên nhiên, tính đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

CÁC TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ TÌNH TRẠNG CÁC LOÀI ĐƯA VÀO SÁCH ĐỎ VIỆT NAM (Các tiêu chuẩn do tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên IUCN đề xuất)

Các cấp đánh giá chính:

ENDANGERED – (Đang nguy cấp, viết tắt E) (đang bị đe dọa tuyệt chủng): Là những loài đang bị đe dọa tuyệt chủng và không chắc còn có thể tồn tại nếu các nhân tố đe dọa cứ tiếp diễn. Gồm những loài có số lượng giảm đến mức báo động ở trong điều kiện sống bị suy thoái mạnh mẽ đến mức có thể bị tuyệt chủng.

VULNERABLE – (Sẽ nguy cấp, viết tắt V) (có thể bị đe dọa tuyệt chủng): Là những loài sắp bị đe dọa tuyệt chủng (trong tương lai gần) nếu các nhân tố đe dọa cứ tiếp diễn.

Gồm những loài mà phần lớn hoặc tất cả các quần thể của nó đã bị giảm vì khai thác quá mức, vì nơi sống bị phá hoại mạnh mẽ hoặc do các biến động khác của môi trường sống. Cũng gồm những loài tuy số lượng còn khá nhiều nhưng vì chúng có giá trị kinh tế lớn nên việc tìm bắt, khai thác được tiến hành thường xuyên ờ mọi nơi, dễ đưa tới bị đe dọa.

RARE – (Hiếm, viết tắt R) (có thể có nguy cấp): Gồm những loài có phân bố hẹp (nhất là những chi đơn loài) có số lượng ít, tuy hiện tại chưa phải là đối tượng đang hoặc sẽ bị đe dọa, nhưng sự tồn tại lâu dài của chúng đang rất mỏng manh.

Các cấp đánh giá khác:

Ngoài ba cấp chính trên đây, khi soạn thảo – Sách đỏ Việt Nam còn sử dụng một trong các cấp sau:

THREATENED – (Bị đe dọa, viết tắt T): Là những loài thuộc một trong những cấp trên, nhưng chưa đủ tư liệu để xếp chúng vào cấp cụ thể nào.

INSUFFCIENTLY KNOWN – (Biết không chính xác, viết tắt K): Là những loài nghi ngờ và không biết chắc chắn chúng thuộc loại nào trong các cấp trên vì thiếu thông tin. Các loài nêu trong cấp này đang chờ các tác giả xác định mức cụ thể của chúng.

Danh lục đỏ thế giới IUCN

Sách Đỏ IUCN hay gọi tắt là Sách Đỏ (tiếng Anh là IUCN Red List of Threatened Species, IUCN Red List hay Red Data List) là danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới. Danh sách này được giám sát bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources, IUCN).

Động vật

Các danh mục phân loại

Các loài được xếp vào 9 bậc theo các tiêu chí về mức độ đe dọa tuyệt chủng như tốc độ suy thoái (rate of decline), kích thước quần thể (population size), phạm vi phân bố (area of geographic distribution), và mức độ phân tách quần thể và khu phân bố (degree of population and distribution fragmentation).

Tuyệt chủng – (Extinct, EX): là một trạng thái bảo tồn của sinh vật được quy định trong Sách đỏ IUCN. Một loài hoặc dưới loài bị coi là tuyệt chủng khi có những bằng chứng chắc chắn rằng cá thể cuối cùng đã chết.

Tuyệt chủng trong tự nhiên – (Extinct in the Wild, viết tắt EW): là một trạng thái bảo tồn của sinh vật. Một loài hoặc dưới loài bị coi là tuyệt chủng trong tự nhiên khi các cuộc khảo sát kỹ lưỡng ở sinh cảnh đã biết và hoặc sinh cảnh dự đoán, vào những thời gian thích hợp (theo ngày, mùa, năm) xuyên suốt vùng phân bố lịch sử của loài đều không ghi nhận được cá thể nào.

Các khảo sát nên vượt khung thời gian thích hợp cho vòng sống và dạng sống của đơn vị phân loại đó. Các cá thể của loài này chỉ còn được tìm thấy với số lượng rất ít trong sinh cảnh nhân tạo và phụ thuộc hoàn toàn vào chăm sóc của con người.

Cực kỳ nguy cấp – (Critically Endangered, viết tắt CR): là một trạng thái bảo tồn của sinh vật. Một loài hoặc nòi được coi là cực kỳ nguy cấp khi nó phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao trong một tương lai rất gần, khi quần thể loài suy giảm đến 80% hoặc diện tích phân bố chỉ còn trên khoảng 100 km².

Nguy cấp – (Endangered, viết tắt EN): là một trạng thái bảo tồn của sinh vật. Một loài bị coi là Nguy cấp khi nó phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao trong một tương lai rất gần nhưng kém hơn mức cực kỳ nguy cấp.

Sắp nguy cấp – (Vulnerable, viết tắt VU): là một trạng thái bảo tồn của sinh vật. Một loài hoặc nòi bị đánh giá là Sắp nguy cấp khi nó không nằm trong 2 bậc Cực kỳ nguy cấp (CR) và Nguy cấp (EN) nhưng phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên cao trong một tương lai không xa. Quần thể của chúng bị suy giảm 20% hoặc diện tích phân bố chỉ còn khoảng 20.000 km².

Sắp bị đe dọa – (Near Threatened, viết tắt NT): là một trạng thái bảo tồn của sinh vật. Một loài hoặc nòi bị đánh giá là Sắp bị đe dọa khi nó sắp phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên cao trong một tương lai không xa.

Ít quan tâm (Least Concern, viết tắt LC): Bao gồm các loài không được coi là phụ thuộc bảo tồn hoặc sắp bị đe dọa.

Thiếu dữ liệu (Data Deficient, viết tắt DD): Một loài được coi là thiếu dẫn liệu khi chưa đủ thông tin để có thể đánh giá trực tiếp hoặc gián tiếp về nguy cơ tuyệt chủng, căn cứ trên sự phân bố và tình trạng quần thể. Một loài trong thứ hạng này có thể đã được nghiên cứu kỹ, đã được biết nhiều về sinh học, song vẫn thiếu các dẫn liệu thích hợp về sự phân bố và độ phong phú.

Như vậy, loại này không thuộc một thứ hạng bị đe dọa nào, cũng không tương ứng với thứ hạng LR (ít nguy cấp).

Không được đánh giá (Not Evaluated): Một loài được coi là không đánh giá khi chưa được đối chiếu với các tiêu chuẩn phân hạng.

Đọc thêm: 10 loài Linh trưởng nguy cấp (Endangered species) của Việt Nam

Công ước CITES, Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới IUCN các loài nguy cấp là gì?

Tổng kết

Đó là những thông tin Sách đỏ Việt Nam, Danh mục đỏ thế giới (IUCN) và Công ước CITES mà WANEE Vietnam xin gửi đến bạn. Hy vọng đây sẽ là thông tin hữu ích dành cho bạn. Chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời.

Đọc thêm: 24 loài Linh trưởng Việt Nam

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *