Loài cực kỳ nguy cấp Critically Endangered Species (CR)
Loài cực kỳ nguy cấp hay loài rất nguy cấp là các loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở mức cực kỳ nguy cấp (IUCN). Chúng đứng đầu trong Danh lục đỏ của IUCN về các loài bị đe dọa. Năm 2016, 7 loài linh trưởng VIệt Nam được xếp vào danh lục này trong đó có 4 loài là đặc hữu cho Việt Nam. Vượn đen phía đông ban đầu cũng được xếp là loài đặc hữu của Việt Nam nhưng khu vực phân bố có cả lãnh thổ của Trung Quốc nên đã được loại khỏi danh sách này.
Hiện nay, số lượng loài Linh trưởng cực kỳ nguy cấp của Việt Nam đáng buồn thay đã tăng lên từ 7 loài tới 10 loài.
Chà vá chân xám/Grey-shanked Douc (Pygathrix cinerea)
Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Chordata
Lớp (class): Mammalia
Bộ (ordo): Primate
Họ (familia): Cercopithecidae
Chi (genus): Pygathrix
Loài (species): Pygathrix cinerea

Chà vá chân xám chỉ mới được phát hiện và công bố vào năm 1997 sau khi tịch thu từ những người buôn bán động vật trái phép năm 1995. Chúng là loài hiếm nhất trong ba loài voọc và cũng bị hạn chế sinh cảnh sống nhất. Nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới (Le Van Dung).
Một số khu vực có thể xem và quan sát

Nó là loài đặc hữu của Việt Nam từ Quảng Nam đến Bình Định.
Chúng được tìm thấy trong rừng nhiệt đới trên đồi núi ở độ cao từ 200 – 1500 mét, có khả năng thích ứng tương đối khi rừng bị tác động, nhưng nạn săn bắn làm cho các quần thể của loài này ở Việt Nam bị đe dọa ở mức nguy cấp.
Những quần thể lớn đang sinh sống ở Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, các khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh, xã Dak Pring và Kon Chư Răng.
Hiện nay, Chà vá chân xám bị suy giảm nghiêm trọng theo số liệu nghiên cứu năm 2016 còn dưới 1.500 cá thể loài được phát hiện trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Mất đi nơi ở do quá trình phá rừng của con người vào những mục đích như tái định cư, chuyển vùng canh tác nương rẫy và việc săn bắt của con người là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự đe dọa nghiêm trọng đối với loài này.

Đặc điểm
Chà vá chân xám có thân lông xám với vết lông trắng ở mông. Lông vai và tay màu đen. Lông trên đầu màu xám nhưng có một vành đen phía trên trán. Chúng có vành râu quai nón màu trắng trong khi phía cổ thì lông màu đà, hung đỏ. Mắt chúng hơi xếch. Tay chà vá dài hơn chân. Đuôi dài, sắc lông trắng.
Con đực hơi lớn hơn con cái và nặng trung bình khoảng 10.9 kg. Con cái nặng khoảng 8.2 kg. Chà vá chân xám, như tên đặt cho chúng, có cặp chân xám. Hai cánh tay cũng xám. Chúng có họ rất gần với chà vá chân đỏ trong khi là họ hàng xa với Chà vá chân đen.
Chà vá chân xám hoạt động vào ban ngày và chủ yếu sống trên cây. Chúng di chuyển qua các cành cây bằng cách nhảy và chuyền cành. Trước đây, người ta thường tìm thấy chúng trong nhóm lớn gồm 50 cá thể nhưng số lượng này giờ đã giảm đáng kể xuống từ 4 đến 15 con. Con đực thường là giới thống trị và có vai trò lãnh đạo (theo Covert và cộng sự 2008).
Chà vá chân xám giao tiếp với nhau bằng cách động chạm, qua hình ảnh và nghe tiếng. Gầm rú thường là dấu hiệu cho thấy sự tức giận. Nó có thể là dấu hiệu hăm dọa một cá thể nào đó. Tiếng líu lo nhẹ nhàng thường là dấu hiệu của sự vâng phục.
Chà vá chân xám thường chải chuốt lông để loại bỏ ký sinh trùng và củng cố mối liên kết giữa các thành viên trong đàn. Hoạt động này thường được thực hiện trước khi nghỉ tối. Các thành viên cũng có thể cho thấy thái độ hung hăng bằng cách đánh nhau, đập, kéo và vồ lẫn nhau (theo Covert và cộng sự 2008).
Giao tiếp bằng hình ảnh bao gồm các biểu hiện khuôn mặt và những tư thế khác nhau. Biểu hiện khuôn mặt có thể là nhăn nhó, cho thấy thái độ tuân phục, thái độ đùa giỡn khi chơi cùng các thành viên khác và nhìn chằm chằm thể hiện sự tò mò hay tức giận. Biểu hiện khuôn mặt cũng được thể hiện rõ trong giai đoạn chọn bạn tình. Con đực sẽ nhìn về phía con cái để cho thấy rằng chúng sẵn sàng giao phối.
Thức ăn của chúng gần như là lá cây, nhưng thỉnh thoảng cũng ăn thêm hạt, trái cây và hoa. Chúng thích lá non và hoa quả.
Voọc mũi hếch/Tonkin snub-nosed Monkey (Rhinopithecus avunculus)
Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Chordata
Lớp (class): Mammalia
Bộ (ordo): Primate
Họ (familia): Cercopithecidae
Phân họ (subfamilia): Colobinae
Chi (genus): Rhinopithecus
Loài (species): Rhinopithecus avunculus

Voọc mũi hếch Rhinopithecus avunculus là đại diện ghi nhận ở Việt Nam. Bốn loài khác cùng chi được tìm thấy ở Trung Quốc và Miến Điện. Loài này nằm trong danh sách 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới.
Một số khu vực có thể xem và quan sát

Trước đây loài này phân bố rộng rãi ở phía đông sông Hồng nhưng nạn săn bắn và phá rừng đã khiến phạm vi hoạt động và số lượng của chúng sụt giảm nghiêm trọng. Đến nay ghi nhận chỉ ở hai địa điểm trong tỉnh Hà Giang có hơn 250 cá thể sống sót trong rừng nguyên sinh, trên núi đá vôi dốc đứng.
Hà Giang có thể là nơi sinh sống của những quần thể Voọc mũi hếch cuối cùng trên thế giới (Nguyen Van Truong)
Hiện nay, chỉ còn khoảng 250 cá thể Voọc mũi hếch còn lại trên toàn Việt Nam. Là một loài đặc hữu của Việt Nam nên cũng có thể nói 250 cá thể này là số cá thể cuối cùng của loài trên toàn thế giới. Tất cả những gì có thể ngăn chặn sự tuyệt chủng của loài này là những nỗ lực không ngừng nhằm bảo tồn hai quần thể lớn nhất còn lại.
Các quần thể nhỏ hơn có thể sinh sống ở nơi khác nhưng không bảo đảm có thể tồn tại lâu dài. Điều đáng buồn hơn là loài này ít có khả năng còn những quần thể khác ngoài tự nhiên có thể được phát hiện.

Đặc điểm
Voọc mũi hếch mặt nhiều màu sắc, mũi hếch, miệng có đôi môi dày và bộ lông rậm rạp (Le Khac Quyet). Lông ở phần lưng màu nâu đen nhưng phía ngực và bụng lại có màu trắng kem cùng một mảng lông màu cam xung quanh cổ, đặc biệt là ở con đực.
Chúng không có mào lông trên đỉnh đầu. Chiều dài cơ thể của loài từ 51 đến 65 cm (20 đến 26 in) cộng thêm chiều dài đuôi từ 66 đến 92 cm (26 đến 36 in). Con cái và con đực có cân nặng trung bình lần lượt khoảng 8 kg (18 lb) và 14 kg (31 lb). Những cá thể đang trưởng thành có phần lông màu xám thay cho màu đen và cũng không có vùng lông cam quanh cổ.
Voọc mũi hếch là loài ăn đêm với thức ăn bao gồm đa dạng các loại lá, quả, hoa và hạt. Chúng sinh sống hoàn toàn trên cây rất ít khi xuống đất, di chuyển thành những đàn nhỏ. Một đàn gồm một con đực và 10 – 15 con cái, rất hiếm khi hơn 20 con cái trong một đàn (Le Khac Quyet). Chúng dành khoảng 30% thời gian trong ngày để nghỉ ngơi, thời gian còn lại chúng dành cho việc quan sát và kiếm ăn.
Voọc cát bà/Cat ba langur (Trachypithecus poliocephalus)
Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Chordata
Lớp (class): Mammalia
Bộ (ordo): Primate
Họ (familia): Cercopithecidae
Chi (genus): Trachypithecus
Loài (species): Trachypithecus poliocephalus

Voọc cát bà rất hiếm trên thế giới và chỉ tồn tại ở quần đảo Cát Bà trong vịnh Hạ Long. Trước đây được coi là phổ biến nhưng loài này đã chết dần và toàn cầu hiện nay chỉ còn khoảng 70 con, chúng cũng được liệt vào danh sách 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.
Một số khu vực có thể xem và quan sát

Khi còn rừng phủ đầy, đảo Cát Bà có thể từng là nơi sinh sống cho quần thể Voọc lên tới 2.700 con. Trong những năm 1960, loài này bắt đầu bị tiêu diệt dần vì nạn săn bắt để lấy thịt và làm thuốc dân gian. Người ta thường dùng cách bẫy cả một đàn voọc khi chúng ngủ đêm trong hang động.
Chúng sống trong rừng và những bụi cây bao phủ các núi đá vôi, một con voọc đực dẫn cả đàn, dừng lại trên điểm cao để kiểm tra toàn bộ khu vực trước khi đàn di chuyển tiếp.
Vịnh Hạ Long được UNESCO bình chọn là Di sản Thế giới không giúp gì để bảo tồn loài voọc này mà ngược lại, nó dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của thị trấn Cát Bà. Sự xáo trộn mất kiểm soát từ du lịch càng làm tăng thêm sự đe dọa cho loài này (Nguyen Van Truong).

Đặc điểm
Báo cáo ghi nhận nhiều đàn đã di chuyển giữa các đảo khi thủy triều thấp. Việc các đàn nhỏ bị cô lập là mối đe dọa sự tồn tại lâu dài của chúng. Con đầu đàn gồm một con đực trưởng thành và vài con cái. Việc thụ thai xảy ra hằng năm. Khi một con đực khác nắm quyền thống lĩnh đàn chúng sẽ giết các con sơ sinh để con cái sớm động đực.
Voọc mông trắng/Delacour’s Langur (Trachypithecus delacouri)
Giới (regnum) Animalia
Ngành (phylum) Chordata
Lớp (class) Mammalia
Bộ (ordo) Primates
Họ (familia) Cercopithecidae
Chi (genus) Trachypithecus
Loài (species) Trachypithecus delacouri

Voọc mông trắng có vùng phân bố hẹp, chỉ ở khu vực miền Bắc Việt Nam. Ước tính còn khoảng 200 cá thể, trong đó 100 cá thể tập trung ở một khu vực, các khu vực khác bị chia cắt và có số lượng quần thể nhỏ. Đây là một thành viên khác của danh lục 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất thế giới.
Một số khu vực có thể xem và quan sát

Sống trong rừng thường xanh và bụi rậm. Phân bố ở độ cao từ 500 – 1.000 m trên núi đá vôi, nơi nguồn nước hạn chế sự phân bố của chúng. Quần thể lớn nhất được ghi nhận gồm 100 cá thể tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Vân Long, tỉnh Ninh Bình.

Đặc điểm
Trọng lượng cơ thể 8,1 – 9 kg; chiều dài đầu và thân 0,46 – 0,665 m. Trên đỉnh đầu có mào lông màu đen, có vệt lông trắng khá rộng hai bên má kéo dài lên phía trên vành tai. Chân có bộ lông màu đen. Vùng mông có lông màu trắng kéo dài tới tận gốc đuôi và đùi; chân tay dài. Đuôi dài hơn thân, lông đuôi màu đen. Thức ăn chủ yếu là chồi cây, lá và quả cây.
Các quần thể còn lại hầu hết là nhỏ, ít hơn 20 con. Một ngoại lệ đáng chú ý là một quần thể gồm 30 đến 40 con vẫn còn sinh sống ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hoá và một quần thể khác, gần đây mới được phát hiện tại một địa điểm chưa công bố.
Một đàn gồm một con đực, vài con cái trưởng thành và bầy con của chúng.
Vượn đen tuyền/Western Black Crested Gibbon (Nomascus concolor)
Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Chordata
Lớp (class): Mammalia
Bộ (ordo): Primate
Họ (familia): Hylobatidae
Chi (genus): Nomascus
Loài (species): Nomascus concolor

Loài vượn này chủ yếu phân bố ở phía Bắc Việt Nam, Lào và Vân Nam, Trung Quốc. Vượn đen tuyền Tây Bắc là một loài ngày càng có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trên thế giới hiện còn ít hơn 2.000 cá thể và có 60 cá thể ở Việt Nam.
Một số khu vực có thể xem và quan sát

Loài này sống ở rừng nhiệt đới cao từ 500 đến 2.900 m. Tuy nhiên, phân bố hiện tại của chúng bị xé lẻ do nạn phá rừng và săn bắt. Trước đây, loài này còn xuất hiện ở độ cao dưới 500m nhưng hiện nay, rừng ở độ cao thấp hơn đa số đã biến mất trên toàn bộ lãnh thổ của chúng.
Ở Việt Nam loài này chỉ sống trong hai khu vực bảo tồn, với khoảng 20 đàn ở Mù Căng Chải, Khu bảo tồn sinh thái ở Yên Bái và khu rừng liền kề ở Mường La tỉnh Sơn La, và 2 đến 5 đàn ở Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hoàng Liên-Văn Bàn tại Lào Cai.

Đặc điểm
Nghiên cứu gần đây ở Trung Quốc cho thấy loài này sống theo đàn với một con đực duy nhất và hai con cái. Tên thường gọi của chúng là do chùm lông trên trán (Fan Peng Fei).
Chiều dài từ đầu đến cuối thân là 45 – 64 cm và cân nặng 5,7 kg.
Chế độ ăn uống theo mùa vì chúng sống ở nơi cao và có vĩ độ cao. Thức ăn của chúng bao gồm gần 50% lá, trái cây 25%, 19% quả sung và 9% hoa (Zhao Chao | Cloud Mountain Conservation).
Vượn cao vít/Eastern Black Crested Gibbon (Nomascus nasutus)
Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Chordata
Lớp (class): Mammalia
Bộ (ordo): Primates
Họ (familia): Hylobatidae
Chi (genus): Nomascus
Loài (species): Nomascus nasutus

Hiện giờ chỉ giới hạn tại một địa phương duy nhất ở biên giới Trung-Việt, nhưng trước đó, loài này đã từng sinh sống từ sông Hồng qua phía Đông Nam Trung Quốc. Nếu những nỗ lực bảo tồn đang tiến hành bị thất bại thì loài này sẽ tuyệt chủng.
Một số khu vực có thể xem và quan sát

Toàn thế giới có khoảng 130 con, chia làm 18 đàn trong đó 14 đàn ở Việt Nam. Kết quả là Khu Bảo tồn Vượn Cao Vít được thành lập vào năm 2007 và kế bên là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bangliang ở Trung Quốc ra đời hai năm sau, năm 2009. Cộng cả hai khu vực này chỉ rộng khoảng 2.000 ha.
Khảo sát không tìm thấy ở nơi nào khác, có vẻ như nạn phá rừng và săn bắn đã làm nó bị tuyệt chủng đến 99% so với trước đây ở miền Bắc Việt Nam (Le Khac Quyet).

Đặc điểm
Mặc dù không còn hiện tượng săn bắn từ năm 2003 khi bắt đầu lệnh cấm, cư dân địa phương tiếp tục thu hẹp dần khu vực này để khai thác lâm sản và khai thác gỗ xây dựng, làm củi.
Con đực chủ yếu là màu đen, con cái có viền lông trắng lớn bao quanh mặt và một đường sọc đen trên trán. Chúng ăn nhiều trái cây, nhưng báo cáo ghi nhận chúng cũng ăn động vật không xương và thằn lằn nhỏ (Le Khac Quyet).
Con cái sinh nở vào những tháng lạnh nhất, từ tháng mười đến tháng hai. Trước đây chúng được tìm thấy trong rừng nhiệt đới, kể cả núi đá vôi từ 50 đến gần 1.000 m. Những quần thể nhỏ rất dễ bị suy thoái do cận huyết, bệnh tật và thời tiết khắc nghiệt. Khó có thể làm được gì nhiều để giảm thiểu những tác động tới chúng (Zhao Chao | Cloud Mountain Conservation).
Vượn đen má trắng/Northern White-cheeked Crested Gibbon (Nomascus leucogenys)
Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Chordata
Lớp (class): Mammalia
Bộ (ordo): Primate
Họ (familia): Hylobatidae
Chi (genus): Nomascus
Loài (species): Nomascus leucogenys

Vượn đen má trắng, loài vượn có nguy cơ tuyệt chủng cao này được tìm thấy ở phía nam Vân Nam, Trung Quốc, Bắc Lào và Tây Bắc Việt Nam. Mặc dù chúng sinh sống ở tám khu bảo tồn của Việt Nam, các biện pháp hiện nay vẫn không đủ để ngăn chặn đà suy vong của chúng và nguy cơ loài này có khả năng tuyệt chủng là rất cao.
Một số khu vực có thể xem và quan sát

Loài này hiện tồn tại chủ yếu như những quần thể nhỏ và cô lập. Mặc dù sống ở tám khu bảo tồn tại Việt Nam, các quần thể này quá nhỏ để có thể tồn tại được và dự báo có nguy cơ tuyệt chủng. Quần thể lớn nhất được cho là ở Vườn Quốc gia Pù Mát ước tính khoảng 130 đàn.
Chúng sinh sống trong các khu rừng thường xanh, bán thường xanh từ độ cao 200 đến 1.650 m, hậu quả của việc phá rừng các quần thể còn lại được tìm thấy ở độ cao trên 700 m, như Khu Bảo tồn Thiên nhiên Xuân Liên.

Đặc điểm
Giống như các thành viên khác trong chi, cả con đực và con cái của loài đều có cánh tay dài bất thường ngay cả đối với vượn, với cánh tay dài gấp 1,2 đến 1,4 lần chân. Chúng cũng cơ bắp hơn, có đùi và vai nặng hơn cho thấy một sức mạnh cơ thể lớn hơn. Con trưởng thành thích dùng tay khi đu qua các cành cây, với tỉ lệ thuận tay trái hoặc tay phải của các cá thể là tương đương nhau.
Loài này gần giống vượn đen siki, nhưng có lông trên cơ thể hơi dài hơn và phát ra âm thanh hơi khác một chút. Cũng có thể phân biệt con đực của hai loài này thông qua hình dạng của các mảng trắng trên má của chúng; ở loài vượn đen má trắng, chúng chạm đến viền trên của tai và không chạm vào khóe miệng, trong khi ở vượn đen siki, chúng chỉ chạm đến nửa tai và hoàn toàn bao quanh môi.
Giống như các loài vượn khác, loài này sống thành đàn một vợ một chồng. Ở Việt Nam, các đàn thường gồm 3-5 con. Lông má trắng của các loài này chỉ ở hai bên khuôn mặt, còn cằm màu khác. Loài này có thể ăn ít trái cây hơn các loài vượn khác vì chúng phân bố về phía Bắc hơn (Fan Peng Fei).
Con cái có thể được phân biệt bởi màu lông phong phú hơn và chỏm lông đầu màu đen (Nicolas Cornet).
Vườn Quốc gia Pù Mát nuôi dưỡng 455 cá thể và là khu vực ưu tiên nhất để bảo tồn loài này ở Việt Nam. Địa thế xa xôi, gần biên giới Lào, khá thuận lợi để bảo vệ, tuy nhiên việc phát triển đường bộ qua các vùng sinh sống của loài vượn đã đe dọa sự sống còn của chúng.
Chà vá chân nâu/Red-shanked Douc (Pygathrix nemaeus)
Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Chordata
Lớp (class): Mammalia
Bộ (ordo): Primates
Họ (familia): Cercopithecidae
Chi (genus): Pygathrix
Loài (species): Pygathrix nemaeus

Là loài nhiều màu sắc nhất trong các loài voọc, Chà vá chân nâu có thể gọi là loài linh trưởng đẹp nhất thế giới. Được tìm thấy chủ yếu ở Lào và Việt Nam, nhưng đôi khi cũng xuất hiện tại Campuchia, loài này có địa bàn sinh sống rộng lớn. Tuy nhiên, có khả năng chúng sẽ trở thành loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nếu tình trạng bảo tồn không được cải thiện.
Một số khu vực có thể xem và quan sát

Chúng được tìm thấy ở độ cao so với mặt nước biển tới 1.600 m, sinh sống ở rừng thường xanh, núi đá vôi và các khu rừng rụng lá. Mặc dù chúng có thể dễ dàng quan sát tại Khu Bảo tồn Thiên Nhiên Sơn Trà nhưng quần thể lớn nhất hiện có ở Việt Nam được tìm thấy tại Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Đặc điểm
Lá cây là thức ăn chủ yếu, chúng chiếm khoảng 80%. Ở Việt Nam, 125 loài thực vật đã được tìm thấy trong khẩu phần ăn của loài này. Các đàn duy trì một đực với nhiều con cái hoặc nhiều con đực với nhiều con cái hoặc nhiều con cái, mỗi đàn thường có từ 5 đến 10 cá thể. Chà vá chân nâu vẫn hoạt động mạnh dưới trời mưa miễn sao chúng không bị ướt nhiều (Hoang Ha).
Nhảy chuyền cành là hình thức vận động thường thấy ở loài này. Chúng vừa di chuyển vừa gây ra tiếng động và di chuyển trên các tán cây (Jonathan C. Eames).
Voọc chà vá chân nâu là loài có màu sắc rực rỡ nhất trong các loài linh trưởng. Chúng được biết mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng” cũng bởi vẻ ngoài xinh đẹp và độc đáo. Từ đầu gối đến mắt cá chân của Voọc chà vá chân nâu giống như “đôi tất dài màu nâu đỏ”, cẳng tay trước của chúng như được phủ một lớp găng tay trắng. Bàn tay và đôi chân lại có màu đen.
Voọc chà vá chân nâu có vành râu quai nón màu trắng và thường của con đực sẽ rậm rạp hơn. Đuôi dài màu trắng và có cụm lông trắng ở phía cuối. Phần bụng và lưng có màu xám. Bộ lông trên cơ thể là tổng hợp hài hòa của 5 màu đen, xám, trắng, nâu đỏ, cam nên còn được gọi là voọc ngũ sắc.
Cá thể trưởng thành có trọng lượng cơ thể trung bình ở con đực và con cái tương ứng 11 kg và 8,44 kg. Kích thước thân trung bình khoảng 61 cm ở con đực và 55 cm ở con cái. Đuôi thuôn và dài 55 – 76 cm. Ở con đực có hai túm lông trắng ở hai góc phía trên gốc đuôi hình tam giác.
Voọc, giống như các loài khỉ khác, thích sống bầy đàn. Chúng sống trong nhóm từ 4 đến 15 con nhưng đã từng ghi lại được nhóm lên tới 50 con. Một nhóm thường có một hoặc vài con đực và trung bình sẽ có hai con cái nếu có một con đực. Cả con cái và con đực đều biết vị trí của mình trong đàn và con đực thường có vị trí cao hơn con cái. Cả con đực và con cái cuối cùng rồi sẽ rời khỏi đàn nơi chúng được sinh ra.
Giống các loài khác thuộc họ Khỉ cựu thế giới, đuôi của chúng không dùng để cầm nắm. Đuôi chỉ được sử dụng cho một mục đích duy nhất là cân bằng. Chúng dùng tay và chân để di chuyển trong rừng. Một khi đã bắt đầu di chuyển cả nhóm sẽ được dẫn dắt bởi con đực đầu đàn, với những con đực trẻ ở phía sau, con cái và con non an toàn ở giữa.
Loài voọc này sống trên cao, chúng di chuyển ở trên các tán rừng. Chúng rất nhanh nhẹn và thường có thể nhảy tới 6 mét (20 feet), với cánh tay dang rộng qua đầu, chúng đẩy chi dưới về phía trước và tiếp đất bằng 2 chân.
Bình thường, chà vá chân nâu sẽ di chuyển một cách ồn ào từ cành này sang cành khác qua khu rừng, đi qua các tán cây, nhảy nhót trên các cành và nhún nhảy bằng 2 chân cùng lúc, thể hiện khả năng giữ cân bằng tuyệt vời của mình. Nhưng khi có biến, bởi kẻ săn mồi hay những mối nguy hiểm khác, chúng có thể chạy trốn một cách yên lặng qua những cành cây, ra xa khỏi mối nguy hiểm.
Nếu chúng giật mình, chúng có thể kêu lớn, nháo nhác quanh các cành cây. Nhưng ngược lại với những lần di chuyển ồn ã, chà vá dành phần lớn thời gian để ăn trong yên lặng, tiêu hóa đống thức ăn, liu diu ngủ và chải lông cho nhau.
Loài khỉ này giao tiếp thông qua biểu cảm khuôn mặt. Nó như một màn biểu diễn khuôn mặt với cái miệng há rộng, răng nhe ra và cằm hướng về phía trước. Thỉnh thoảng, chúng nhắm mắt, quờ quạng nhau mà không để tâm tới mối nguy hiểm khi ở trên các cành cao.
Cái nhìn chằm chằm thể hiện sự đe dọa. Mặt nhăn nhó, miệng mở rộng và răng nhe ra cho thấy thái độ tuân phục sau khi bị nhìn chằm chằm. Biểu hiện này cũng thường thấy khi chúng bắt đầu chải lông cho nhau và chơi đùa. Chà vá chân nâu gầm gừ ở âm vực thấp, thể hiện sự đe dọa và kêu ré lên khi phải chịu đau.
Về tập tính giao phối và sinh sản, hiện chưa có đầy đủ thông tin mô tả quá trình này ngoài tự nhiên. Các quan sát và nghiên cứu trong môi trường nuôi nhốt ghi nhận: trước khi giao phối, cả con đực và con cái đều ra dấu hiệu bằng cách giơ cằm ra, lông mày nhếch cao và đầu cúi xuống. Con cái sẽ di chuyển trước, cắm mặt xuống cành cây, mắt nhìn vào con đực đã chọn. Con đực sẽ quay lại nhìn thẳng và có thể quay đi tìm nơi mà nó cho là phù hợp để giao phối.
Giai đoạn giao phối diễn ra từ tháng 8 đến tháng 12. Giai đoạn mang thai kéo dài trong khoảng từ 165 đến 190 ngày, con cái sẽ sinh một con non vừa đúng trước mùa quả chín. Sinh đôi thường rất hiếm. Con non khi chào đời mắt đã mở to và bám vào mẹ một cách bản năng.
Voọc con mới sinh có lông vàng cam, mặt màu đen, từ 8 – 24 tháng tuổi màu lông và màu mặt mới chuyển dần sang màu sắc của con trưởng thành. Trong môi trường nuôi nhốt, những thành viên khác trong nhóm cũng chăm sóc con non và những con cái khác có thể còn cho nó bú. Một nghiên cứu đã ghi nhận: con non được nhận nuôi sẽ do hai con cái và một con đực trong đàn chăm sóc. Con cái có thể bắt đầu giao phối khi đủ 4 tuổi trong khi con đực phải mất từ 4-5 năm. Vòng đời của chúng dài khoảng 25 năm.
Thức ăn của chúng chủ yếu bao gồm lá cây nhiều chất xơ. Thuộc phân loài Colobinae hay loài khỉ ăn lá, chúng có dạ dày to chia làm các túi chứa vi sinh giúp tách cellulose trong lá cây qua quá trình lên men, điều này khiến cho bụng của loài chà vá luôn phồng lên. Chúng cũng hay ợ do khí thải ra từ quá trình lên men này. Chà vá chân nâu thích ăn những lá non, nhỏ và mềm nhưng cũng thích hoa quả như quả sung, nụ, cuống lá, hoa và hạt.
Chúng lấy được đủ chất lỏng và protein chúng cần từ thức ăn mà không cần phải xuống tận mặt đất để uống nước. Loài khỉ này ăn tới 50 loại thực vật khác nhau nhưng không ăn thịt loài động vật nào. Thói quen ăn uống bừa bãi và hỗn tạp của chúng đã làm rơi nhiều thức ăn xuống mặt đất: lá khô, quả chưa chín hoặc hoa quả quá chín.
Chúng ăn một cách hòa bình bên cạnh nhau, chia sẻ thức ăn mà không tranh giành. Thường thì chúng chia sẻ một tán lá, chúng dùng tay tách tán lá đó ra chia cho nhau, đây là một hành động hào hiệp mà hiếm loài Khỉ cựu thế giới nào có.
Chà vá chân đen/Black-shanked Douc (Pygathrix nigripes)
Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Chordata
Lớp (class): Mammalia
Bộ (ordo): Primates
Họ (familia): Cercopithecidae
Chi (genus): Pygathrix
Loài (species): Pygathrix nigripes

Chà vá chân đen là một trong những loài voọc được tìm thấy ở khu vực sông Mekong, phía nam Việt Nam và đông Campuchia. Thức ăn gần như toàn lá. Dạ dày giống bò với 4 ngăn cho phép chúng tiêu hoá cellulose trong lá.
Một số khu vực có thể xem và quan sát

Chúng được tìm thấy trong rừng bán nhiệt đới, từ độ cao ngang mực nước biển lên đến 800 m. Ở Việt Nam, địa bàn của chúng gồm các khu rừng ven biển thuộc Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, rừng khộp trong Vườn Quốc gia Cát Tiên và rừng nhiệt đới trên núi ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin, tỉnh Đắk Lắk

Đặc điểm
Có thân lông xám với vết lông trắng ở mông. Lông vai và tay màu đen. Lông trên đầu màu xám nhưng có một vành đen phía trên trán. Chúng có vành râu quai nón màu trắng trong khi phía cổ thì lông màu đà, hung đỏ. Mắt chúng hơi xếch. Tay chà vá dài hơn chân. Đuôi dài, sắc lông trắng.
Khác biệt giữa ba loại chà vá là lông từ mông trở xuống. Chà vá chân đen, như tên đặt cho chúng, có cặp chân đen. Hai cánh tay cũng đen.
Thức ăn của chúng gần như toàn lá cây, thỉnh thoảng thêm trái cây và hoa.
Không như những loài khỉ khác, khi có biến chúng trở thành bất động nên dễ bị săn bắt.
Chúng sống trên cây. Trong một ngày, hai phần ba thời gian chúng nghỉ ngơi, thời gian còn lại để ăn và quan sát (Nguyen Van Truong). Khẩu phần ăn của chúng là các loại lá cây, đôi khi chúng ăn quả và các loại hạt, tỷ lệ phần trăm các loại này khác nhau phụ thuộc vào kiểu rừng (Le Khac Quyet). Tại Vườn Quốc gia Núi Chúa quần thể này có khoảng 500 – 700 cá thể (Jonathan C. Eames).
Vượn đen má hung/Southern White-cheeked Crested Gibbon (Nomascus siki)
Giới (regnum): Animalia
Ngành (phylum): Chordata
Lớp (class): Mammalia
Bộ (ordo): Primate
Họ (familia): Hylobatidae
Chi (genus): Nomascus
Loài (species): Nomascus siki

Loài này ban đầu được coi là một phân loài của Vượn đen má trắng miền bắc. Chúng có địa bàn sinh sống rất nhỏ ở Trung Lào và Việt Nam. Ở Việt Nam, loài này đang bị đe dọa bởi môi trường sống xé lẻ và nạn săn bắt kể cả trong các Khu Bảo tồn. Năm 2016, IUCN xếp chúng vào danh lục các loài nguy cấp (EN) và còn tới 86 đàn. Nhưng hiện nay vào lần cập nhật dữ liệu 2020 loài này đã được xếp lên mức CR tức mức cao nhất của tình trạng bảo tồn và suy đoán chỉ còn khoảng 600 cá thể.
Một số khu vực có thể xem và quan sát

Ở Việt Nam loài này sống ở rừng nhiệt đới, kể cả trên núi đá vôi từ 30 đến 1800 m, trong ba Khu Bảo tồn: Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Nước Trong ở tỉnh Quảng Bình và Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá, Quảng Trị.

Đặc điểm
Đây là một loài ít được biết đến và hiện vẫn chưa có nghiên cứu về hành vi sinh thái của chúng (Nicolas Cornet). Ở con đực, màu trắng trên mặt lan quanh miệnh nhưng không tới tai. Con cái khó hơn để phân biệt với Vượn đen má trắng (Jeremy Holden).
Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây
bài viết mới nhất
Chỉ số IP là gì? Tại sao chúng quan trọng?
Th6
Đèn Dã Ngoại Barebones – Thương hiệu đèn đến từ Mỹ
Th6
Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén Khám phá vẻ đẹp hoang sơ: 7 kỳ quan mê hoặc đang chờ đợi trong viên ngọc quý của Việt Nam
Th5
Hệ thống những khu vực được bảo vệ của Việt Nam: 5 hiểu biết chính về hệ thống Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn thiên nhiên và Khu Dự trữ Sinh quyển
Th5
Khám phá 7 điều thú vị về kiểu rừng kín lá rộng thường xanh nhiệt đới
Th5
Khám phá rừng lá kim đầy mê hoặc: 7 bí mật của rừng lá kim Việt Nam
Th5
Kiểu rừng núi đá vôi ở Việt Nam – 7 lý do đặc biệt để khám phá
Th5
Tận hưởng sự thanh bình trong rừng khộp nhiệt đới – 5 lý do để khám phá
Th5