Một trong những điểm đặc biệt và thu hút du khách tại Côn Đảo chính là sự hiện diện của loài Bò biển – một loài động vật biển hiếm có và độc đáo. Được biết đến với tên gọi “bò biển” vì hình dáng giống bò và khả năng bơi lội tuyệt vời, loài này đã trở thành biểu tượng độc đáo của quần đảo Côn Đảo. Với vẻ ngoài đáng yêu và thân thiện, bò biển đã thu hút sự chú ý của du khách và là một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến thăm Côn Đảo.
Côn Đảo là một quần đảo nằm ở vùng biển phía nam Việt Nam, với 14 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Sơn và nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, các bãi biển tuyệt đẹp. Tuy nhiên, điều đặc biệt và độc đáo nhất ở Côn Đảo chính là sự tồn tại của bò biển. Loài này có nguồn gốc từ các hòn đảo xa xôi và ít người đến thăm, khiến cho Côn Đảo trở thành một trong số ít nơi trên thế giới mà bạn có thể gặp gỡ và tương tác trực tiếp với bò biển.
Đọc thêm: Rùa biển tại Côn Đảo – 4 kỳ quan sinh vật và những nỗ lực bảo tồn
Loài Bò biển (Dugong dugon) hiện đang được Vườn Quốc gia Côn Đảo bảo tồn và theo dõi một cách nghiêm ngặt bởi số lượng của chúng đang bị giảm sút nghiêm trọng trong những năm gần đây khi môi trường sống bị mất đi do các hoạt động của con người.
Hãy cùng WANEE khám phá thêm về Bò biển thông qua bài viết này nhé!

Tổng quan về Bò biển (Dugong dugon)
Bò biển (Dugongs) hay còn được gọi là cá cúi, là một loài động vật có vú sống ở dưới biển với danh pháp khoa học là Dungon dugon, thuộc Họ Dugonidae, Bộ Serenia. Chúng là một động vật biển kích cỡ trung bình. Tuy ngư dân Việt thường gọi chúng là “cá” nhưng thực ra đây là loại động vật có vú sống ở biển.
Một điều thú vị nữa đó là tương truyền, các thủy thủ phương Tây khi thấy bò biển dưới nước, họ tưởng rằng chúng là người nên mới sinh ra những truyền thuyết về “nàng tiên cá” hay “mỹ nhân ngư” thuở xưa.

Chúng có toàn thân da màu xám, có mối liên hệ khá gần gũi với loài voi. Không như các loài động vật trên cạn như bò hay thỏ, bò biển không có nhiều lông. Da của bò biển nhẵn, chỉ có vài sợi lông rải rác trên mặt da. Đầu chúng tròn, hai mắt nhỏ và mõm lớn. Các chi của chúng giống như mái chèo và không có móng. Một con bò biển trưởng thành dài khoảng từ 2,7 m đến 4 m và nặng khoảng từ 250 đến 400 kg. Đối với con non mới đẻ dài khoảng 1 m và nặng 20-35 kg.
Cơ thể của Dugongs có hình dạng là hình thoi và chia thành 3 phần: đầu, thân và đuôi. Đầu tương đối nhỏ với đặc điểm là mõm có một phần mở rộng dạng móng ngựa rộng, phẳng ở hàm trên, che phủ hai bên miệng. Trên bề mặt của môi có một số lượng lớn lông, sợi lông và lỗ chân lông có chức năng cảm giác. Ở gốc mõm có hai rãnh mang lông cứng được ngăn cách bởi một khe giữa.
Bên dưới các đường gờ là một miếng đệm mềm nhô ra khỏi miệng. Ở con đực, một cặp răng cửa nhô ra qua lớp đệm này trong khi ở con cái thì không có răng cửa. Đôi mắt nhỏ và có mí mắt nhiều thịt. Lỗ mũi là một cặp lỗ hình lưỡi liềm nằm ở phía sau chóp mõm. Lỗ tai nhỏ và nằm ở phía sau đầu.

Bò biển bơi bằng cách chuyển động chiếc đuôi rộng của mình theo chiều lên xuống. Nó thay đổi hướng bơi bằng hai chi trước. Chúng bơi chậm, tốc độ khoảng 10 km/giờ – ngang với vận tốc của một chiếc xe đạp. Tuy bơi chậm, song bò biển có thể di chuyển đến những khoảng cách rất xa – có thể lên đến 600 km chỉ trong một vài ngày. Nhiều bằng chứng về bò biển sống ở các vùng ranh giới nước ta, gần Kiên Giang (phía Nam) và Quảng Ninh (phía Bắc), cho thấy bò biển có khả năng di cư xuyên biên giới.
Chúng giao tiếp với nhau bằng những tiếng kêu khe khẽ, âm thanh có âm vực cao hay những âm thanh giống như tiếng chó sủa.
Thức ăn của chúng là gì?
Bò biển là loài ăn thực vật và thức ăn ưa thích của chúng là cỏ biển. Mỗi ngày chúng phải ăn một lượng cỏ biển rất lớn (khoảng 28-40 kg cỏ biển) mới có đủ năng lượng. Bộ xương nặng giúp chúng chìm dưới nước khi tìm và ăn cỏ biển. Khi ăn, chúng chúc mõm xuống dưới theo hướng của thức ăn. Chúng sử dụng hai hàm răng bằng để nhổ và nhai cỏ biển.


Những đường ăn của Dugongs trên thảm cỏ biển
Hoạt động ăn cỏ của chúng là đào ủi trên thảm cỏ biển để ăn toàn bộ lá, thân, rễ gây biến mất cỏ biển trong thảm cỏ. Những nghiên cứu tại Thái Lan cho thấy rằng cỏ biển biến mất trong đường ăn của Dugongs phải mất đến 2 tháng mới có thể phục hồi bằng với các vùng cỏ biển xung quanh.
Chúng sinh sản như thế nào?
Bò biển mang thai 13-15 tháng. Bò biển con được sinh ra dưới nước và bơi lên trên mặt nước để hít thở không khí lần đầu tiên. Bò biển con bú sữa mẹ và sẽ luôn theo mẹ cho đến khi nó được 1 hoặc 2 tuổi. Sau khi sinh, bò biển con cũng mau chóng ăn được cỏ biển. Tuổi trưởng thành của chúng là 6-17 tuổi. Mỗi lứa bò biển cách nhau khoảng 3-7 năm. Chúng là loài có tuổi đời cao. Trong điều kiện môi trường thuật lợi, có thể sống đến 70 năm hoặc lâu hơn thế.

Bò biển phân bố ở đâu?
Bò biển là loài sống đơn lẻ, tuy nhiên đôi khi chúng cũng sống tập trung theo đàn. Chúng thích sống tại vùng vịnh nông và rộng, vùng nước ấm, những kênh rạch có rừng ngập mặn bao phủ, những nơi được che kín tại các đảo lớn gần bờ. Đây cũng chính là những nơi thường có thảm cỏ biển rộng lớn.
Bò biển được tìm thấy ở các vùng biển trên 37 nước và lãnh thổ dọc từ Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.

Hiện trạng
Số lượng bò biển đang bị suy giảm đáng kể ngay cả tại những nơi đã từng tập trung nhiều. Bò biển đã biến mất tại những nơi như Đài Loan, đảo Malpes… Bò biển nằm trong Sách đỏ quốc tế, ở nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cao. Trong “Sách đỏ Việt Nam” chúng nằm trong danh sách Cực kỳ nguy cấp, là loài cấm khai thác dưới mọi hình thức và trong danh lục đỏ Thế giới (IUCN Red List) được xếp vào loại Sẽ nguy cấp (VU – Vulnerable).

Trước đây, bò biển ở Việt Nam phổ biến ở vịnh Hạ Long, vùng ven biển Khánh Hòa, Côn Đảo, Phú Quốc. Hiện nay, ước tính chỉ còn khoảng 10 con sinh sống tại Côn Đảo và khoảng 100-300 con sinh sống tại Phú Quốc.
Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm
Một trong những lý do chính dẫn đến sự suy giảm nghiêm trọng của bò biển tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, đo là vì tình trạng săn, đánh bắt quá mức. Ngoài ra, ô nhiễm biển dẫn đến sự cạn kiệt cỏ biển – là nguồn thức ăn chính của chúng cũng là một trong những nguyên nhân đẩy bò biển tới bờ vực diệt vong.
Ở Việt Nam và các nước lân cận, nhiều phương pháp đánh bắt hủy diệt và bất hợp pháp tại các hệ sinh thái cỏ biển đã ảnh hưởng rất lớn đến các thảm cỏ biển và đe dọa đến sự tồn tại của bò biển. Chúng hay bị chết do mắc vào các loại lưới rê, lưới quây của ngư dân hoặc lưới bảo vệ tránh cá mập tại các bãi biển. Tàu bè chạy nhanh ở những vùng biển nông có thể va vào, làm bị thương hoặc đâm chết bò biển.

Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất đó là vấn đề đánh bắt bò biển, diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nơi trên thế giới. Thịt bò biển được cho là rất có giá trị. Ngoài ra, cũng giống như loài voi, chúng còn bị bị đánh bắt để lấy đi cặp ngà (thường là ở Dugongs đực trưởng thành) để làm đồ trang trí, trang sức,… Một cặp ngà như vậy có thể được bán với giá 10 triệu đồng Việt Nam, tức là khoảng 650 đô la Mỹ.
Ngoài ra, ô nhiễm hệ sinh thái biển từ các chất thải của con người như dầu, nhớt thải từ các tàu biển, rác thải và các chất hoá học dẫn đến sự cạn kiệt quần xã cỏ biển cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm quần thể Dugongs.
Tổng kết
WANEE Vietnam gửi đến bạn những thông tin quý giá về Bò biển (Dungong dugon). Hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp bạn có thêm những kiến thức hữu ích. Chúc bạn trải nghiệm tuyệt vời và trọn vẹn nhất trên hành trình của mình.
Đọc thêm: Kinh nghiệm tham quan và trải nghiệm Vườn quốc gia Côn Đảo
Tài liệu tham khảo
- Marsh, H. & Sobtzick, S. (2015). Dugong dugon. IUCN Red List of Threatened Species
- Nguyễn Xuân Hoà (2002). Giám sát thảm cỏ biển và quần thể Dugong (Dugong dugon) ở Côn Đảo giai đoạn (1998-2002)
- Nguyễn Chu Hồi (2012) biên tập. Đầu tư cho các hệ sinh thái vùng bờ biển: Tài liệu Hướng dẫn cho các Nhà báo về vai trò của các Hệ sinh thái Vùng bờ biển. Rừng ngập mặn cho Tương lai. Gland, Thụy Sĩ: IUCN. 27 trang.
- Regional Working Group on Seagrass (2004). Review of Seagrasses in the South China Sea. UNEP/GEF, p. 4-5.
Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây
bài viết mới nhất
3 loài Cu li tại Việt Nam – Loài linh trưởng dễ thương và quý hiếm
Th9
26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam – Khám phá và bảo tồn
Th9
Hệ sinh thái san hô tuyệt đẹp tại Côn Đảo: Một thiên đường biển đầy sắc màu
Th9
Rùa biển tại Côn Đảo – 4 kỳ quan sinh vật và những nỗ lực bảo tồn
Th9
Động vật đặc hữu tại Côn Đảo – Kho báu sinh thái không thể bỏ qua
Th9
Bò biển (Dugong dugon) – Vẻ đẹp và sự độc đáo tại Côn Đảo
Th9
Thảm cỏ biển – Kỳ quan dưới đáy biển Côn Đảo
Th8
Côn Đảo – Khi 14 hòn đảo hòa quyện thành một thiên đường độc đáo
Th8