Côn Đảo được biết đến là nơi có giá trị bảo tồn sinh học rất cao với 14 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Sơn. Vườn Quốc gia Côn Đảo còn được biết đến là một trong sáu Vườn Quốc gia thực hiện bảo tồn cả hệ sinh thái rừng và biển tại Việt Nam.
Trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến quần thể nhỏ Bò biển (Dugong dugon) quý hiếm xuất hiện tại đây và sinh cảnh thảm cỏ biển. Các thảm cỏ biển Côn Đảo ngoài những giá trị về chức năng chống xói lở và là nơi cư trú của nhiều loài sinh vật – còn có ý nghĩa rất quan trọng là nguồn thức ăn chủ yếu của Bò biển và Rùa biển, hiện đang được Vườn Quốc gia Côn Đảo bảo vệ và cả thế giới quan tâm.
Bên cạnh đó, hệ sinh thái biển tại đây là nơi bảo tồn nhiều loài động thực vật vô cùng phong phú và đa dạng với 1.725 loài sinh vật biển. Trong đó, có thể nhắc đến 4 loài rùa biển quý hiếm đều nằm trong Phụ lục I Công ước CITES và Sách đỏ Việt Nam là Rùa xanh (Chelonia mydas), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata), Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), Rùa đầu to (Caretta caretta).
Tại bài viết này, các bạn hãy cùng WANEE tìm hiểu về các thảm cỏ biển Côn Đảo và những giá trị mà chúng mang lại cho các sinh vật biển và thiên nhiên nhé.

Tổng quan về thảm cỏ biển tại Côn Đảo
Cỏ biển (Seagrasses) thuộc Ngành Athophyta, Lớp Monocotyledoneae, Bộ Helobiae. Chúng là những loài thực vật bậc cao có hoa, đặc biệt sống thích nghi trong các vùng nước nông ven biển với hệ thống rễ phát triển có khả năng chống chịu được với tác động của sóng biển.
Theo những nghiên cứu đã báo cáo rằng tại Côn Đảo tồn tại 10 loài cỏ biển trong tổng số 16 loài cỏ biển được ghi nhận tại Việt Nam (thuộc 4 họ và 9 chi). Do đó, có thể xem Côn Đảo là một trong những vùng biển của Việt Nam có sự đa dạng cao nhất về thành phần loài cỏ biển. Hệ sinh thái cỏ biển tại đây phần bố rải rác nhưng tương đối tập trung ở khu vực vịnh Đông Nam (bãi trước Côn Đảo).

Trong đó, 10 loài thảm cỏ biển đã ghi nhận được bao gồm Cỏ lá dừa (Enhalus acoroides), Cỏ xoan (Halophila ovals), Cỏ hẹ lá nhọn (Halodule pinifolia), Cỏ vích (Thalassia hemprichii), Cỏ xoan nhỏ (Halophila minor), Cỏ xoan cọng ngắn (Halophila decipiens), Cỏ hẹ ba răng (Halodule uninervis), Cỏ kiệu tròn (Cymodoced rotundata), Cỏ kiệu răng cưa (Cymodocea serrulata), Cỏ lá kiệu (Symgodium isoetifoliu).
Tại Côn Đảo, các loài cỏ biển chiếm ưu thế và thường dễ bắt gặp nhất đó là Cỏ xoan, Cỏ Vích, Cỏ kiệu răng cưa, Cỏ hẹ ba răng và Cỏ hẹ lá nhọn.




Cỏ biển tại đây mọc phong phú nhất là ở những vùng dưới triều với độ sâu từ 0.5 đến 6 m. Càng xuống sâu thì quần xã cỏ biển càng thưa dần và tùy ở độ sâu khác nhau thì sẽ có các quần thể các loài khác nhau. Với độ sâu từ 8 đến 12 m thì có thể dễ bắt gặp 2 loài đó là Cỏ xoan cọng ngắn và Cỏ xoan.
Đặc điểm hình thái của cỏ biển
Cỏ biển và rong biển (tảo biển) trông giống nhau bề ngoài, nhưng chúng là những loài thực vật khác nhau và thường hay bị nhầm lẫn với nhau. Cỏ biển thuộc một nhóm thực vật lá đơn, có rễ ngập sâu dưới đáy, có tĩnh mạch, ra hoa và hạt. Tảo ở đáy biển có một trụ neo, không có hoa, không có mạch rễ và vận chuyển các chất dinh dưỡng thông qua cơ thể bằng cách khuếch tán.

Hạt diệp lục trong các mô của cây sử dụng năng lượng mặt trời để chuyển đổi CO2 và nước thành đường và oxy để tăng trưởng thông qua quá trình quang hợp. Tĩnh mạch vận chuyển các chất dinh dưỡng và nước trong thân cây, và có các túi khí trong thân cây giúp cho lá nổi lên thực hiện cơ chế trao đổi O2 và CO2. Giống như các cây có hoa khác, rễ của cỏ biển có thể hấp thụ chất dinh dưỡng.

Cỏ biển có khả năng chịu được tác động của sóng, thủy triều và dòng chảy vì tất cả các loài cỏ biển đều có hệ thống thân ngầm bò và rễ phân nhánh chằng chịt trong nền đáy, giúp cho cây đứng vững và tồn tại năm này qua năm khác. Phần thân đứng, lá có thể bị chết do sóng, thủy triều… phần thân ngầm có thể sống và nảy chồi.
Sự sinh sản của cỏ biển
Cỏ biển phát triển cả theo chiều dọc lẫn chiều ngang – thân cỏ phát triển hướng lên mặt nước, rễ của chúng phát triển đâm sâu xuống đáy và đi ngang – để thu được ánh sáng mặt trời và chất dinh dưỡng từ nước và trầm tích. Chúng lan truyền theo hai hình thức: sự sinh sản vô tính và hữu tính. Cỏ biển thụ phấn nhờ nước.
Hình thức sinh sản vô tính: Giống như các loại cỏ trên cạn, các chồi cây của cỏ biển nối với nhau dưới đáy biển giống như rễ, hay con gọi là hệ thống thân rễ. Thân rễ có khả năng lan rộng dưới đáy biển và đẩy cho các chồi non nhú lên. Điều này có nghĩa là các cây con đều có cùng một thân và có chung một kiểu gen.
Hình thức sinh sản hữu tính: Các hoa cỏ biển đực thả phấn hoa vào trong môi trường nước và tập trung lại thành từng khối lơ lửng. Phấn hoa của cỏ biển dài khoảng 5 mm, thuộc loại dài nhất thế giới. Sóng biển giúp đưa phấn hoa đi khắp đại dương, cho đến khi chúng gặp hoa cỏ biển cái, quá trình thụ tinh diễn ra và hình thành nên những cây cỏ biển mới.
Vai trò của cỏ biển trong tự nhiên
Các thảm cỏ biển vùng nhiệt đới là hệ sinh thái có năng suất và đa dạng sinh học cao, đóng vai trò quan trọng đối với nhiều vùng biển ven bờ. Tại Côn Đảo, cùng với hệ sinh thái Rừng ngập mặn và rạn san hô các thảm cỏ biển đang thực hiện những vai trò và chức năng cơ học và sinh học như: Làm ổn định tầng đáy, lắng tự trầm tích, chống xói lở bờ, là nguồn dự trữ thức ăn cho thuỷ vực, nơi cư trú, kiếm ăn, nơi sinh sản và là vườn ươm ấu thể của nhiều loài hải sản có giá trị.

Bên cạnh đó, chúng còn là nơi ẩn nấp của các loài sinh vật biển với kẻ thù. Lá và thân thẳng đứng của cỏ biển giúp làm giảm đi tác động cơ học của sóng. Lá của chúng có vai trò lọc nước, làm nước sẽ trong hơn. Hệ thống rễ và thân ngầm chằng chịt sẽ giữ và giúp cố định nền đáy, chống xói lở.
Các đồng cỏ biển còn có vai trò quan trọng về năng suất sơ cấp và chuỗi thức ăn. Các chất hữu cơ được phân hữu từ lá cỏ cũng như của rong biển sống đáy và rong biển phụ sinh là thành phần quan trọng trong thức ăn của hệ sinh thái biển.
Bên cạnh đó, các thảm cỏ biển là nguồn thức ăn quan trọng đối với loài Bò biển (Dugong dugon) và Rùa biển. Bò biển được một loài động vật có vú quý hiểm chỉ xuất hiện với một quần thể nhỏ với số lượng từ 6 đến 10 cá thể tại Côn Đảo.


Về mặt giá trị kinh tế của cỏ biển trong vùng Đông Nam Á là nơi cung cấp thực phẩm, và nơi sinh sống của nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao. Cỏ biển là ngôi nhà cho các loài hai mảnh vỏ (bạch tuộc, mực ống, mực nang, ốc sên,…), bọt biển, giáp xác (tôm, cua), động vật đáy (giun nhiều tơ, nhím biển, hải quỳ…).
Do những lợi ích này, cỏ biển được cho là một trong ba hệ sinh thái trên thế giới có giá trị nhất, trong khi hệ san hô và rừng ngập mặn rất dễ bị tàn phá và huỷ hoại bởi hoạt động của con người thì hệ sinh thái cỏ biện lại ít nhạy cảm và khó bị huỷ hoại hơn.
Quần xã cỏ biển ngày càng bị suy giảm
Sự phát triển kinh tế nhanh chóng, các hoạt động khai thác đánh bắt của con người ngày càng tăng hiện đang là mối đe doạ hàng đầu đối với quần xã cỏ biển. Các hoạt động đánh bắt cá bằng những phương pháp tàn phá như sử dụng chất nổ, lưới rê, lưới đáy, lưới chăn, kích điện, hóa chất.
Bên cạnh đó, môi trường biển ô nhiễm dầu thải, chất thải chứa kim loại nặng từ các tàu thuyền đánh cá, tàu chở hàng, hay nhà máy,… đều gây ảnh hưởng đến sự sống của chúng. Các công trình xây dựng ven biển (đường giao thông, cầu cống, nhà cửa, bến cảng, nạo vét kênh) và cải tạo bãi triều cho các mục đích nông nghiệp,… đều ảnh hưởng đến sự sinh tồn và phát triển của các thảm cỏ biển.

Ngoài ra, biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nước biển tăng cũng liên quan đến sự xuất hiện của những loại bệnh tàn phá và làm suy yếu các thảm cỏ biển, như đã xảy ra ở các vùng biển Đông Bắc và Tây Bắc
Mỹ.
Việc suy giảm và có nguy cơ biến mất của các loài cỏ biển này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học biển, “sức khoẻ” của hệ sinh thái và sinh kế của những người dân vùng biển cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Các loài sinh vật biển sống dựa vào nguồn dinh dưỡng từ cỏ biển như Bò biển và Rùa biển cũng bị đe doạ.
Tổng kết
WANEE Vietnam trân trọng gửi đến bạn những thông tin về thảm cỏ biển tại Côn Đảo. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ mang đến cho bạn những kiến thức bổ ích về tự nhiên mà bạn đang tìm kiếm. Chúc bạn có những trải nghiệm thiên nhiên tuyệt vời và đầy trọn vẹn.
Đọc thêm: Kinh nghiệm tham quan và trải nghiệm Vườn quốc gia Côn Đảo
Tài liệu tham khảo
- Nguyễn Xuân Hoà (2002). Giám sát thảm cỏ biển và quần thể Dugong (Dugong dugon) ở Côn Đảo giai đoạn (1998-2002)
- Nguyễn Hữu Đại (1999). Các thảm cỏ biển ở Côn Đảo
- Regional Working Group on Seagrass (2004). Review of Seagrasses in the South China Sea. UNEP/GEF, p. 4. iwlearn.net/resolveuid/6abc857925542c108f72e2f1e9147b97
- United Nations (2017). The Impacts of Climate Change and Related Changes in the Atmosphere on the Oceans – A Technical Abstract of the First Global Integrated Marine Assessment, p.10
- Larkum A.W.D, R. J. Orth and C. M. Duarte (2006). Seagrasses: Biology, ecology and conservation. Springer, Netherland, 691.
Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây
bài viết mới nhất
3 loài Cu li tại Việt Nam – Loài linh trưởng dễ thương và quý hiếm
Th9
26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam – Khám phá và bảo tồn
Th9
Hệ sinh thái san hô tuyệt đẹp tại Côn Đảo: Một thiên đường biển đầy sắc màu
Th9
Rùa biển tại Côn Đảo – 4 kỳ quan sinh vật và những nỗ lực bảo tồn
Th9
Động vật đặc hữu tại Côn Đảo – Kho báu sinh thái không thể bỏ qua
Th9
Bò biển (Dugong dugon) – Vẻ đẹp và sự độc đáo tại Côn Đảo
Th9
Thảm cỏ biển – Kỳ quan dưới đáy biển Côn Đảo
Th8
Côn Đảo – Khi 14 hòn đảo hòa quyện thành một thiên đường độc đáo
Th8