Vườn Quốc gia Côn Đảo gồm 14 hòn đảo thuộc quần đảo Côn Sơn, nằm ở phía Đông Nam Việt Nam, thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Với tiềm năng đa dạng sinh học cao, Vườn Quốc gia Côn Đảo đã được Ngân hàng Thế giới đưa vào danh sách các vùng ưu tiên cao nhất trong hệ thống các khu bảo tồn biển toàn cầu, được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập vào ngày 31/3/1993.
Bảng: 14 Hòn đảo lớn – nhỏ thuộc Vườn Quốc gia Côn Đảo
STT | Tên hòn đảo | STT | Tên hòn đảo |
1 | Hòn Bà | 8 | Hòn Tài Nhỏ |
2 | Hòn Tre nhỏ | 9 | Hòn Bảy Cạnh |
3 | Hòn Tre lớn | 10 | Hòn Bông Lan |
4 | Hòn Vung | 11 | Hòn Trứng |
5 | Hòn Trác Nhỏ | 12 | Côn Sơn |
6 | Hòn Trác Lớn | 13 | Hòn Trọc |
7 | Hòn Tài Lớn | 14 | Hòn Cau |
Côn Đảo cũng được xem là một trong số ít các vườn quốc gia trên thế giới hội tụ cả 4 hệ sinh thái rừng và biển vô cùng đặc sắc và hiếm có. Hiện tại, nơi đây là nơi đang nuôi dưỡng và bảo tồn hàng trăm loại thực vật bậc cao, thì Vườn quốc gia Côn Đảo còn được Trung tâm Đa dạng sinh học trao chứng nhận là Vườn di sản ASIAN, được các quốc gia thành viên công nhận không chỉ vì sự đa dạng sinh học biển độc đáo mà còn cả những giá trị lịch sử-văn hóa của Việt Nam.
Hãy cùng WANEE chúng mình tìm hiểu về Vườn quốc gia đặc biệt trong bài viết này nhé!
Tổng quan về Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Vườn Quốc gia Côn Đảo có diện tích là 19.990,7 ha, bao gồm: 5.990,7 ha hợp phần bảo tồn rừng, 14.000 ha hợp phần bảo tồn biển và 20.500 ha vùng đệm biển. Vườn Quốc gia Côn Đảo là một trong sáu vườn Quốc gia của Việt Nam vừa thực hiện bảo tồn rừng, vừa thực hiện bảo tồn biển và là một trong số ít các Vườn Quốc gia trên thế giới hội tụ cả 2 hệ sinh thái rừng, biển vô cùng đặc sắc và hiếm có.

Sự cách ly về địa lý là yếu tố tạo nên sự đa dạng về các hệ sinh thái, phong phú về thành phần loài và tính đặc hữu cao tại Côn Đảo. Với tiềm năng đa dạng sinh học cao, Vườn quốc gia Côn Đảo được ngân hàng thế giới đưa vào danh sách các vùng ưu tiên cao nhất trong hệ thống các khu bảo tồn biển toàn cầu. Năm 2013, Ban Thư ký Công ước Ramsar công nhận Vườn Quốc gia Côn Đảo là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế thứ 2.203 của thế giới và Khu Ramsar thứ 6 của Việt Nam.
Hệ sinh thái rừng nhiệt đới với 2 kiểu chính đó là rừng kín thường xanh và rừng kín nửa rựng lá mưa ẩm. Vùng triều, biển nông có hệ sinh thái Rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô phát triển mạnh.
Vườn Quốc gia Côn Đảo thuộc quần đảo Côn Sơn nằm cách cửa sông Hậu (tỉnh Cần Thơ) 83 km, cách thành phố Vũng Tàu 185 km và thành phố Hồ Chí Minh 250 km, quần đảo gồm 14 đảo nhỏ, đảo lớn nhất là Côn Sơn. Địa hình đảo Côn Sơn là vùng đồi núi, ưu thế bởi các dãy đá granit chạy từ phía Tây Nam đến Đông Bắc, che chở cho các vùng vịnh của đảo cả về hai phía khỏi những luồng gió mạnh. Những điểm cao nhất trên đảo là đỉnh Núi Thánh Giá cao 577 m và Núi Chúa với độ cao 515 m. Điểm cao nhất trên các đảo nhỏ là 350 m.


Do chịu tác động của kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa. Vườn quốc gia Côn Đảo được chia làm 2 mùa rõ rệt đó là mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến hết tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến hết tháng 4.
Chính vì thế, vào thời gian mùa mưa, Vườn Quốc gia Côn Đảo luôn trong trạng thái xanh mát và tươi tốt. Bên cạnh đó, với một khu rừng nguyên sinh rậm rạp, bạn có thể khám phá, tìm hiểu những kiến thức mới mẻ về hệ sinh thái và đa dạng những loài động thực vật nơi đây. Không những thế, Vườn Quốc gia Côn Đảo còn được biết đến là nơi bảo tồn những loài động thực vật quý hiếm.
Đa dạng thành phần loài tại Vườn Quốc gia Côn Đảo
Hệ động vật.
Được ghi nhận với 155 loài thuộc 64 họ và 26 bộ với lớp thú có 29 loài, lớp chim chiếm 85 loài, 39 loài bò sát và 13 loài lưỡng cư. Trong đó, có một số loài đặc hữu cũng đang sinh sống tại Côn Đảo như: Sóc mun (Callosciunis finlaysonii), Sóc đen Côn Đảo (Ratufa bicolor condorensis), chuột hưu Côn Đảo (Rattus niviventer condorensis), Thạch sùng Côn Đảo (Cyrstodactylus condorensis) và một số loài chim như Bồ câu Nicobar (Caloenas nicobarica), chim Điên bụng trắng (Sula leucogaster), Gầm ghì trắng (Ducula bicolor)




Đọc thêm: Động vật đặc hữu tại Côn Đảo – Kho báu sinh thái không thể bỏ qua
Hệ thực vật.
Ghi nhận khoảng 1.077 loài thực vật bậc cao thuộc 640 chi, 160 họ. Có 44 loài thực vật được các nhà khoa học tìm thấy lần đầu tiên ở đây, 11 loài được các nhà khoa học lấy tên Côn Sơn đặt tên loài như Dầu Côn Sơn (Dipterocarpus condorensis), Bùi Côn Sơn (Ilex condorensis),… Một số loài được xếp vào danh mục quý hiếm như lát hoa (Chukrasia tabularis), găng néo (Manilkara hexandra) – Loài cây đặc hữu tại Côn Đảo.

Hệ sinh thái biển.
Côn Đảo nằm ở vị trí được xem là đại diện cho vùng biển xa bờ phí Đông Nam Bộ và cũng nằm gần với trung tâm đa dạng sinh học biển của Ấn Độ – Tây Thái Bình Dương. Do đó, hệ sinh thái biển tại VQG Côn Đảo vô cùng phong phú và đa dạng.
Tại đây, được ghi nhận có đến 1.725 loài sinh vật biển, trong đó với 46 loài thực vật ngập mặn, 133 loài rong biển, 10 loài cỏ biển, 226 loài thực vật phù du, 143 loài động vật phù du, 360 loài San hô đa dạng loại hình và kiểu dáng, 130 loài giun nhiều tơ, 116 loài giáp xác, 187 loài thân mềm, 115 loài đa gai, 205 loài cá rạn San hô, 9 loài bò sát biển, 37 loài chim biển và 7 loài thú biển.
Đặc biệt hệ sinh thái biển tại Vườn Quốc gia Côn Đảo là nơi cư trú của 7 loài rất nguy cấp, 67 loài nguy cấp và sẽ nguy cấp (Sách đỏ Việt Nam, 2007) cần được bảo tồn nghiệm ngặt. Trong đó, có thể kể đến 4 loài rùa biển quý hiểm đã lựa chọn vùng biển Côn Đảo về làm tổ và sinh sản đó là Rùa xanh (Chelonia mydas), Đồi mồi (Eretmochelys imbricata), Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), Rùa đầu to (Caretta caretta). Trong đó, Rùa xanh được ghi nhận với số lượng rùa mẹ lên đẻ trứng hàng năm lớn nhất tại Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Mùa rùa sinh sản Rùa biển kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, trong đó cao điểm là từ tháng 5 đến tháng 7. Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển.

Bên cạnh Vườn Quốc gia Côn đảo là nơi các rùa biển quý hiếm tìm đến để đẻ trứng hằng năm thì nơi nay còn là nơi sinh sống của các loài thú biển quý hiếm như quần thể nhỏ Bò biển (Dugong dugon), Cá nược (Orcaella brevirostric), Cá voi xanh (Neophon phocaenoides).

Đọc thêm: Thảm cỏ biển – Kỳ quan dưới đáy biển Côn Đảo
Cách di chuyển đến Vườn quốc gia Côn Đảo.
Tùy vào vị trí xuất phát sẽ có những con đường khác nhau để đi đến Vườn Quốc gia Côn Đảo.
Đi từ trung tâm thị trấn Côn Sơn (ủy ban nhân dân huyện Côn Đảo): Từ đây bạn có thể thuê xe máy hay xe ô tô để đi đến vườn quốc gia Côn Đảo. Với tổng quãng đường là 3 km, bạn chỉ mất khoảng từ 5-7 phút để di chuyển.
Đi từ cảng hàng không Côn Đảo đến Vườn Quốc gia Côn Đảo: Khi bạn đến cảng hàng không Côn Đảo, tại đây bạn có thể thuê xe máy hoặc ô tô tự lại để đến vườn quốc gia Côn Đảo một cách thuận tiện nhất. Với tổng quãng đường là 14,5 km, sẽ mất khoảng từ 23 -25 phút di chuyển.
Đi từ bến tàu Côn Đảo đến Vườn Quốc gia Côn Đảo: Khi bạn đến huyện Côn Đảo bằng tàu thì điểm xuất phát của bạn sẽ tại bến tàu Côn Đảo. Tại đây, bạn có thể thuê xe máy hoặc ô tô để di chuyển đến vườn quốc gia Côn Đảo. Vởi tổng quãng đường lên đến 14,6 km, sẽ mất khoảng tầm 23-25 phút di chuyển.
Đọc thêm: Kinh nghiệm tham quan và trải nghiệm Vườn quốc gia Côn Đảo
Tổng kết
Đây là những thông tin về Vườn Quốc gia Côn Đảo mà WANEE Vietnam xin gửi đến bạn. Hy vọng đây là những thông tin hữu ích mà bạn đang tìm kiếm. Chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời trong cuộc sống.
Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây
bài viết mới nhất
3 loài Cu li tại Việt Nam – Loài linh trưởng dễ thương và quý hiếm
Th9
26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam – Khám phá và bảo tồn
Th9
Hệ sinh thái san hô tuyệt đẹp tại Côn Đảo: Một thiên đường biển đầy sắc màu
Th9
Rùa biển tại Côn Đảo – 4 kỳ quan sinh vật và những nỗ lực bảo tồn
Th9
Động vật đặc hữu tại Côn Đảo – Kho báu sinh thái không thể bỏ qua
Th9
Bò biển (Dugong dugon) – Vẻ đẹp và sự độc đáo tại Côn Đảo
Th9
Thảm cỏ biển – Kỳ quan dưới đáy biển Côn Đảo
Th8
Côn Đảo – Khi 14 hòn đảo hòa quyện thành một thiên đường độc đáo
Th8