Khi nhắc đến khu vực Tây Nguyên chúng ta không thể không nhắc đến vùng Cao Nguyên Lâm Viên. Đó chính là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam – không chỉ biết đến là nơi có hệ thảm thực vật phong phú, đa dạng mà lâu nay cao nguyên này đang được người yêu chim, những nhà “điểu” học chọn là nơi lý tưởng để xem cũng như bảo tồn các loài chim quý.
Với tổng diện tích 70.038 ha, phần lớn nằm trọn trong địa phận huyện Lạc Dương, một phần nhỏ thuộc huyện Đam Rông, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà này là nơi khá đặc biệt nằm trong vùng chim đặc hữu ở Việt Nam. Tại đây, có ba vùng chim quan trọng tầm quốc gia là khu Cổng Trời, Bidoup và Langbiang với 301 loài chim, có tới 5 loài đặc hữu của Việt Nam (Việt Nam có 18 loài chim đặc hữu, nhiều nhất khu vực Đông Nam Á), chỉ có ở cao nguyên Lâm Viên.
Hãy cùng WANEE tìm hiểu xem 5 loài chim đặc hữu tại khu vực Cao Nguyên Đà Lạt này nhé! Tại sao chúng lại được nhiều nhiếp ảnh chim, xem chim săn đón kể cả những người nước ngoài sẵn sàng đến Việt Nam để có thể quan sát và chụp hình các loài chim này.

Khướu đầu đen má xám – Collared Laughingthrush
Chúng ta hãy bắt đầu với loài chim đặc hữu đầu tiên là Khướu đầu đen má xám. Chúng có danh pháp khoa học Trochalopteron yersini. Là loài đặc hữu của khu vực cao nguyên Lâm Đồng nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với kích thước cơ thể trung bình 26-28 cm. Đặc điểm hình thái rất dễ nhận biết với màu sắc tương đối sặc sỡ. Phần đầu được phủ bởi lớp lông đen với hai bên má và vùng mắt có màu xám bạc tương phản rõ ràng với đầu. Lớp lông phủ dưới cơ thể có màu nâu đỏ ở phần ngực và phần bụng.
Bên cạnh đó, vòng cổ và sau gáy cũng được phủ lớp lông nâu đỏ. Lớp lông phủ phần lông sơ cấp ở cánh có màu đen kèm với lớp lông phủ lớn trên cánh có màu nâu hạt dẻ. Phần phía trên đuôi với màu xám bạc và trên đuôi có lớp lông màu vàng xanh ô-liu.

Khướu đầu đen má xám là loài chim sống ở tầng thấp, chỉ sống ở rừng thường xanh lá rộng trên cao (độ cao >1.500 m) trên cao nguyên Đà Lạt. Chúng là loài chim có thể được xem là chỉ thị cho sinh cảnh rừng thường xanh núi thấp.
Loài khướu này bạn có thể được bắt gặp tại các khu vực như: Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, núi Langbiang (Lâm Đồng) và Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Ban (một phần của Khu chim quan trọng Tuyền Lâm), Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đak Lak). Chúng thường sinh sống theo cặp hay bầy nhỏ, có tập tính lãnh thổ cao. Chúng thường sẽ kiếm ăn trên mặt đất, thức ăn chính chủ yếu là các loài côn trùng (sâu, giun) và các loại hạt từ cây.
Chúng sẵn sàng dùng tiếng kêu để xua đuổi kẻ thù khi bước chân vào lãnh thổ của chúng. Những âm thanh xua đuổi kẻ thù sẽ là những âm thanh rất chói tai và liên tục “grreet-grreet-grreet-grreet-grreet-grrr-rr”. Bạn có thể dễ dàng nhận ra chúng bởi tiếng hót giống như một tiếng huýt sáo với âm lớn và khá cao, tăng dần lặp lại sau mỗi 3-5 giây “wueeeeoo” hoặc “u-weeeeoo”. Đôi lúc bạn sẽ nghe tiếng hót khác như đối đáp lại với âm thấp hơn như “wiaaah”, “ayaaa” hay “ohaaaah” có thể của các cá thể mái.

Loài chim mang trên mình vẻ đẹp từ bộ lông kèm với tiếng hót hay, do đó chúng đang là đối tượng tập trung của nạn săn bắt chim tại Việt Nam. Hiện nay, số lượng cá thể đang bị giảm sút rõ rệt và có nguy cơ tuyệt chủng rất cao. Bên cạnh bị ảnh hưởng bởi săn bắt thì quần thể Khướu đầu đen má xám đối mặt với nguy cơ mất môi trường sống vì sinh cảnh sống hiện nay đang bị con người khai phá làm rẫy và nạn phá rừng.
Theo Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục đỏThế giới (IUCN 2020) Khướu đầu đen má xám này được xếp vào loại EN (Endangered) – Nguy cấp.
Mi Langbian – Grey-crowned Crocias
Mi Langbian là một trong năm loài chim đặc hữu tại vùng đất cao nguyên Đà Lạt với danh pháp khoa học là Laniellus langbianis. Đây cũng là một loài chim mà những người yêu chim và nhiếp ảnh chim rất muốn lưu lại những bức ảnh của chúng.
Với kích thước cơ thể trung bình 20 – 22 cm, Mi Langbian với lớp lông phần đỉnh đầu với gáy có màu xám tương phản rõ rệt với viền mắt màu đen nhạt. Lớp lông phủ trên cơ thể chủ yếu màu nâu đỏ kèm với những sọc, viền màu nâu đen nhạt. Phần đuôi có màu xám nâu nhạt với màu trắng ở chóp đuôi. Phần bên dưới cơ thể với lớp lông trắng kèm với các điểm, sọc đen tập trung chủ yếu hai bên sườn.

Loài chim này phân bố chủ yếu ở các khu rừng thường xanh lá rộng và bìa rừng, rừng thứ sinh cây bụi với độ cao 900 – 2100 m. Chúng đã từng được ghi nhận phân bố ở Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Dak Lak) (Eames và cộng sự, 1995). Ngoài ra, Mi Langbian còn được tìm thấy ở khu chim quan trọng Tuyền Lâm, thung lũng Tà Nung (gần Cam Ly, một trong những địa điểm lưu giữ lịch sử) nằm trong Rừng phòng hộ cảnh quan Lâm Viên tại Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm và trong Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Ban (Pilgrim và cộng sự, 2007).
Tại mỗi địa điểm phân bố trên, chúng thường phân bố với quần thể nhỏ và sinh cảnh bị phân mảnh. Tập tính sinh sống của loài chim này thường sẽ đi theo cặp hay bầy nhỏ từ 5 đến 6 cá thể. Đôi khi sẽ tụ tập và đi theo cùng bầy với những loài chim khác.
Chúng thường kiếm ăn chủ yếu ở tầng giữa của tán rừng, trong những tán cây thường xanh lá rộng và rất ít khi bắt gặp loài chim đặc hữu này kiếm ăn ở cành và tán lá bên ngoài. Khi kiếm ăn, chúng thường sẽ di chuyển rất nhanh trong tán rừng đôi khi chỉ dừng lại một vài giây.
Thức ăn chủ yếu của chúng là những côn trùng như sâu, bướm và các loài động vật không xương sống. Mi Langbian sau khi bắt được con mồi, chúng thường sẽ dùng chân giữ con mồi và gốc hay cành cây, sau đó sẽ dùng mỏ và mổ liên tục vào con mồi. Cách làm này giống như chúng đang muốn làm mềm con mồi của mình ra để giúp cho việc ăn trở nên dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, tiếng hót của loài chim đặc hữu này rất đặc sắc giống như tiếng huýt sáo. Tiếng hót của chúng thường sẽ có âm “whit whit, whe-oo whe-oo whe-oo whe-oo whe-oo whe-oo”. Nhưng đôi khi sẽ không nghe được âm”whit whit” của chúng, âm “whe-oo whe-oo” thường sẽ lặp đi lặp lại từ 3 đến 12 âm nhưng chủ yếu bạn sẽ nghe được từ 6 đến 7 âm và sẽ kéo dài trong khoảng từ 6 đến 7 giây.
Mặt khác, đối với tiếng kêu mang tính cảnh báo hay kêu gọi bầy đàn thì sẽ có âm rất chói tai và âm điệu cao hơn “bizarre-bizarre-bizarre-bizarre”. Âm thanh này thường được sử dụng khi chúng đang muốn xua đuổi kẻ thù nào đó ra khỏi lãnh thổ của mình.
Rediscovery of the Grey-crowned Crocias Crocias langbianis – JONATHAN C. EAMES, LE TRONG TRAI AND NGUYEN CU
Hiện trạng bảo tồn của loài đặc hữu Mi Langbian hiện nay được xếp hạng EN (Endangered) – Nguy cấp trong cả Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục đỏ Thế giới IUCN (2020).
Khướu hông đỏ Việt Nam – Vietnamese Cutia
Hiện nay, có hai loài Khướu hông đỏ đang phân bố tại Việt Nam đó là Khướu hông đỏ Việt Nam (Vietnamese Cutia) và Khướu hông đỏ Himalaya (Himalaya Cutia). Đối với loài Khướu hông đỏ Himalaya, chúng phân bố chủ yếu ở vùng núi phía Bắc (Fanxipan) và dọc theo dãy Himalaya.
Khướu hông đỏ Việt Nam phân bố chủ yếu vùng cao nguyên Đà Lạt và là loài đặc hữu tại đây. Khướu hông đỏ Việt Nam có danh pháp khoa học là Cutia legalleni, với đặc điểm hình thái rất nổi bật và bạn sẽ rất dễ nhận biết được chúng khi bắt gặp.
Kích thước cơ thể trung bình 17.5 – 19.5 cm. Đối với con đực sẽ có lớp lông đỉnh đầu và phần gáy có màu xám cát tương phản rõ rệt với viền mắt kéo dài đến hai bên gáy có màu đen. Phần lớp lông phủ phía trên lưng và đuôi có màu nâu sáng hạt dẻ. Đuôi có màu đen với viền trắng ở chóp đuôi. Lớp lông trên cánh phần lớn là màu đen và có một mảng lớn màu xám xanh nhạt. Lớp lông ở hai bên vai có màu xám nhợt nhạt. Phần bên dưới cơ thể chủ yếu màu trắng với những viền sọc ngang màu đen đứt khúc.
Đối với cá thể mái ở loài Khướu hông đỏ Việt Nam có sự khác nhau rõ rệt về màu sắc. Con cái thường sẽ có lớp lông ở phần đỉnh đầu và viền mắt màu nâu của socola. Lớp lông phủ phía trên và lưng có màu xám nâu với các sọc đen lớn tương phản rõ rệt.


Loài chim đặc hữu này phân bố chủ yếu ở sinh cảnh rừng lá rộng thường xanh và rừng hỗn giao lá rộng – lá kim với độ cao 1.200 – 2.100 m. Chúng thường sẽ được bắt gặp tại Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà, núi Langbiang và phân khu chim tại hồ Tuyền Lâm, và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (Đak Lak).
Tập tính sinh sống của chúng thường sẽ theo bầy nhỏ từ 4 đến 6 cá thể, đôi khi bắt gặp kiếm ăn theo bầy với các loài chim khác. Khướu hông đỏ Việt Nam kiếm ăn chủ yếu ở tầng giữa và tầng cao của tán rừng. Thức ăn chủ yếu bao gồm các loài côn trùng, hạt hay quả mọng.
Ngoài vẻ ngoài đặc sắc, loài chim này còn có giọng hót rất hay và âm thanh phát ra “wuyeet wu wi wi wi wi weei” và được lặp đi lặp lại từ 3 đến 6 giây. Mặt khác, chúng còn tiếng kêu mang tính gọi bầy và báo động thường sẽ có âm thanh chói tai “wiii-chiwu-wipwi-weei-weei…” hay “wipwi-weei-weei-weei-weei”.

Hiện trang bảo tồn của loài Khướu hông đỏ Việt Nam được xếp hạng NT – Near Threated (Sắp nguy cấp) trong cả Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục đỏ Thế giới (IUCN 2020).
Khướu ngực hồng – Orange-breasted Laughingthursh
Khướu ngực hồng với danh pháp khoa học là Garrulax annamensis, có kích thước cơ thể trung bình 24 – 25 cm, là một trong những loài khướu có lông phủ phía trên cơ thể từ đầu đến đuôi màu nâu ô-liu. Lông ở cổ họng có màu đen nhạt. Lớp phủ lông ở phần dưới cơ thể và vai có màu nâu cam, với nhiều những sọc đen rộng ở ngực tương phản rõ rệt với màu cam nâu.

Sinh cảnh sống thường là rừng lá rộng thường xanh, các bìa rừng, rừng thứ sinh, và các rừng bị khai thác trống. Phân bố ở độ cao 900 – 1.500 m. Chúng là loài chim định cư, sinh sống thường theo cặp hoặc đàn từ 3 đến 5 cá thể. Khướu ngực hồng thường kiếm ăn ở tầng thấp của tán rừng và trên mặt đất. Thức ăn chính của chúng thường sẽ là côn trùng, hạt và quả mọng. Bên cạnh đó, chúng là loài chim nhút nhát, thường sẽ ẩn nấp trong cây bụi và có tính bảo vệ lãnh thổ cao.
Hiện trạng bảo tồn của loài Khướu ngực hồng trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ Thế giới (IUCN 2020) được xếp loại LC-Least Concern (Ít quan tâm). Dù là loài chim đặc hữu được xếp loại ít quan tâm nhưng không chỉ vì vậy mà chúng ta lơ là. Hiện nay, môi trường sống đang bị con người khai thác một cách triệt để, chính vì thế nguy cơ loài Khướu này mất đi sinh cảnh sống rất cao.

Sẻ thông họng vàng – Vietnamese Greenfinch
Sẻ thông họng vàng là loài chim đặc hữu của Việt Nam và chỉ phân bố ở vùng núi cao thuộc tỉnh Lâm Đồng, với danh pháp khoa học Chloris monguilloti.
Sẻ thông họng vàng với kích thước cơ thể trung bình 13.5 – 14 cm, về tổng quan chung, chúng là loài chim sẻ đầu đen với mỏ hình nón lớn, cánh màu vàng và đuôi có khía. Có sự khác nhau về đặc điểm hình thái của cá thể trống và mái.
Đối với con trống, phần đầu hầu như phủ lớp lông màu đen. Phần trên cơ thể được phủ lớp lông màu đen với chút màu ô-liu với lớp lông quanh cổ màu vàng. Lớp lông ở cánh phần lớn là màu đen với chóp cánh lông có màu vàng. Ở phần cánh sơ cấp và thứ cấp có mảng màu vàng sáng. Trên đuôi lông có màu xanh ô-liu và bên dưới đuôi có màu vàng sáng. Bên dưới cơ thể lông màu vàng, cổ họng có màu vàng, ngực và hai bên sườn có nhiều sọc đen ô-liu nhạt.
Đối với con mái, kích thước sẽ nhỏ hơn sơ với con đực, màu lông sẽ có chút sáng hơn. Phần lông ở gáy và lưng màu đen ô-liu kèm với những sọc màu đen nhạt. Lớp lông ở cánh và dưới đuôi màu vàng ít hơn. Phần bên dưới cơ thể dày có nhiều các điểm, sọc màu đen ô-liu chủ yếu ở ngực, bụng và hai bên sườn. Đặt biệt, vòng mắt ở con cái có phần sáng hơn.


Sẻ thông họng vàng sống chủ yếu ở rừng thông và trảng cây bụi. Phân bố ở độ cao lên đến 2.000 m. Thường chỉ gặp trong các vùng rừng thông thưa thớt và khu vực trồng trọt của các khu dân cư sinh sống xung quanh đó. Từ đây, bạn có thể thấy được sự tương quan giữa tên của loài chim này với đặc điểm hình thái và sinh cảnh sống của chúng.
Tập tính sinh sống thường theo bầy nhỏ, đôi khi lại hợp hành bầy lớn lên đến 20 cá thể. Chúng kiếm ăn chủ yếu ở tầng cao của tán rừng và thức ăn chủ yếu là hạt thông và côn trùng (ruồi, cào cào và châu chấu). Sẻ thông họng vàng còn được biết đến là loài chỉ thị cho sinh cảnh rừng thông.
Sẻ thông họng vàng có tiếng hót rất hay với âm điệu “seeuuu-seeuuu-seeuuu” hay “teoo-teoo-teoo-“, những âm thanh này sẽ từ từ to dần và kéo dài. Đối với tiếng nhằm để gọi bầy đàn thì âm điệu sẽ có phần nhẹ nhàng hơn “chi-chi-chi”.

Hiện trạng bảo tồn của Sẻ thông họng vàng trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục đỏ Thế Giới (IUCN 2020) được xếp loại NT-Near Threated (Sắp nguy cấp). Và chúng đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng do bị mất môi trường sống, mà nguyên nhân cơ bản là do những tác động tiêu cực của con người. Vì thế, nếu các khu rừng thông tiếp tục không được chú trọng bảo vệ thì nguy cơ tuyệt chủng loài này chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tổng kết
Vậy là WANEE và các bạn đã cùng tìm hiểu qua 5 loài chim đặc hữu tại Cao nguyên Đà Lạt: Khướu đầu đen má xám, Khướu hông đỏ Việt Nam, Mi Lanbian, Khướu ngực hồng và cuối cùng là Sẻ thông họng vàng.
WANEE Vietnam hy vọng qua bài viết này sẽ cho các bạn biết đến những loài chim tuyệt đẹp ở Việt Nam để từ đó phần nào khơi gợi lên tình yêu động vật nói riêng và thiên nhiên nói chung. Chúng ta không chỉ giữ gìn để mình chúng ta thấy mà hãy giữ gìn chúng để nhiều người khác và thế hệ sau này đều được chiêm ngưỡng.
Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây
bài viết mới nhất
3 loài Cu li tại Việt Nam – Loài linh trưởng dễ thương và quý hiếm
Th9
26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam – Khám phá và bảo tồn
Th9
Hệ sinh thái san hô tuyệt đẹp tại Côn Đảo: Một thiên đường biển đầy sắc màu
Th9
Rùa biển tại Côn Đảo – 4 kỳ quan sinh vật và những nỗ lực bảo tồn
Th9
Động vật đặc hữu tại Côn Đảo – Kho báu sinh thái không thể bỏ qua
Th9
Bò biển (Dugong dugon) – Vẻ đẹp và sự độc đáo tại Côn Đảo
Th9
Thảm cỏ biển – Kỳ quan dưới đáy biển Côn Đảo
Th8
Côn Đảo – Khi 14 hòn đảo hòa quyện thành một thiên đường độc đáo
Th8