Khi nhắc đến loài Sếu đầu đỏ, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười. Tại đây, chúng được xem là một làm chim biểu tượng gắn bó lâu dài với người dân và vùng đất tại đây.

Tại Việt Nam, khi đến mùa di cư loài Sếu đầu đỏ thường di cư từ Campuchia sang Việt Nam nhiều nhất tại Vườn quốc gia Tràm Chim, khu vực Hòn Chông thuộc huyện Kiên Lương và Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang để kiếm ăn và trú ngụ từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau rồi mới rời đi. Quãng thời gian này, vườn cũng thu hút khách du lịch đến chiêm ngưỡng, chụp hình loài chim quý hiếm.

Theo ghi nhận của các chuyên gia, vào mùa đông những năm 1998, Vườn quốc gia Tràm Chim ghi nhận đàn sếu về lên tới 1052 cá thể, ở qua mùa xuân mới rời đi. Vào năm 2017, ghi nhận được 9 cá thể và năm 2018-2019 ghi nhận 11 cá thể sếu. Điều này cho thấy rằng số lượng cá thể suy giảm nghiêm trọng.

Sếu đầu đỏ

Ở các nước Đông Dương (chủ yếu Việt Nam và Campuchia), từ năm 2014 ghi nhận khoảng 850 cá thể, song đến năm 2014 còn 234 con và năm 2020 ước tính còn 179 cá thể. Những con số trên đã cho thấy hiện trạng loài Sếu đầu đỏ đáng báo động, chúng ta cần phải có những biện pháp cải thiện môi trường nếu muốn giữ đàn sếu quay về với Việt Nam.

Tại bài viết này, hãy cùng WANEE tìm hiểu về loài chim biểu tượng của Đồng Tháp này nhé!

Tổng quan về loài Sếu đầu đỏ (Sarus Crane)

Sếu đầu đỏ có danh pháp khoa học Antigone antigone là loài chim quý hiếm thuộc Họ Sếu (Gruidae) và Bộ Gà (Gruiformes). Chúng được biết đến là loài chim cao nhất trong số các loài chim biết bay. Sếu đầu đỏ trưởng thành cao khoảng 1.5 – 1.8 m; sải cánh từ 2.2 – 2.5 m; kích thước chiều dài cơ thể 1.76 m và có trọng lượng trung bình 8 – 10kg.

Loài chim này rất dễ dàng được nhận ra bởi hầu hết cơ thể của chúng là màu xám bạc ánh thép, khi trưởng thành thì đầu, cổ trụi lông và có một màu đỏ rất nổi bật ở vùng đầu và cổ họng. Đỉnh đầu lông màu xám. Phần lông phủ ở cánh thứ cấp màu xám và đồng thời có vằn trên cánh. Đuôi một màu xám trắng, chân và ngón chân màu đỏ sáng. Mỏ khỏe, dài và trước đỉnh đầu màu xanh sừng. Chim non có bộ lông màu sẫm hơn.

Sếu đầu đỏ
Nguồn: Sam Thuong

Sếu đầu đỏ là loài chim di cư, chúng thường di cư từ Campuchia sang Việt Nam để kiếm ăn hằng năm. Mùa di cư đến Việt Nam của chúng thường rơi vào đầu mùa khô từ tháng 12 đến tháng 5 năm sau, sau đó sẽ quay trở lại Campuchia. Bên cạnh đó, cũng tùy thuộc vào sự biến đổi khí hậu và điệu kiện môi trường loài sếu có thể di cư đến sớm hoặc trễ hơn.

Mục đích của việc di cư là vì vào khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 5 thời tiết khí hậu tại Campuchia rơi vào mùa khô nên nguồn thức ăn của chúng có phần suy giảm chính vì thế Sếu di cư đến Việt Nam và đến những vùng hạ lưu sông Mekong, khu vực đất ngập nước theo mùa để tìm kiếm nguồn thức ăn cho mình.

Sinh cảnh và nguồn thức ăn

Sinh cảnh sống ưa thích của loài sếu này đó là các vùng đất gập nước và đồng cỏ, lúa ngập nước quanh năm theo mùa (Sundar, 2009; Yaseen và cộng sự, 2013). Chúng thường sẽ di cư đến các vùng ở khu vực hạ lưu sông Mekong hay đồng bằng sông Cửu Long để tìm kiếm sinh cảnh thích hợp cho mình.

Sếu đầu đỏ - 1 loài chim biểu tượng của vùng đất Đồng Tháp Mười

Sếu đầu đỏ được biết đến là loài ăn tạp, chúng thường sẽ ăn loài động vật như ốc, cua, chuột và ếch. Bên cạnh đó, món ăn mà chúng ưa thích nhất đó là củ năng kim. Củ năng kim là củ phát triển từ cây cỏ năng kim với lá nhỏ và ngắn nhất trong các loại năng và kích cỡ gần giống với cây kim.

Vào mùa khô, khi di cư đến Việt Nam tại Vườn quốc gia Tràm Chim củ năng kim vẫn phát triển rất tốt chính vì thế mà điểm đến lý tưởng của sếu khi di cư đến đây. Củ năng kim là nguồn thức ăn duy nhất cho toàn bộ hệ sinh thái trong giai đoạn mùa khô khắc nghiệt trên vùng đất phèn nặng.

Chúng được xem là sinh vật sản xuất cung cấp thức ăn cho các loài động vật trong Vườn quốc gia và là mắt xích quan trọng trong chuỗi thức ăn nhằm duy trì sự cân bằng sinh thái . Vì vậy, người ta xem cỏ năng kim như là loài chủ lực (keystone species) cho hệ sinh thái này (Dương Văn Ni, 2010. Cỏ năng Kim và sự trở về của sếu đầu đỏ. Báo điện tử Kinh tế Sài Gòn online).

Tập tính của Sếu đầu đỏ

Không giống với nhiều loài chim khác, sếu đầu đỏ thường có nơi ngủ cố định dù ban ngày chúng có di chuyển đến đâu để kiếm ăn. Nơi ngủ của chúng là những vùng nước nông hoặc đôi khi là vùng đất khô cạn, bãi cát, bãi bùn… Việc sinh sống theo bầy nhằm đảm bảo an toàn cho con non và giúp những con sếu “cô đơn” tìm được bạn đời cho mình.

Khi ngủ, sếu đầu đỏ không nằm xuống như những loài động vật khác mà thường co một chân sát vào thân, đầu cuộn xuống cổ hoặc được giấu dưới cánh. Mặc dù ngủ nhưng chúng rất cảnh giác. Chỉ cần nghe thấy tiếng động lạ là sếu sẽ kêu đánh thức nhau huyên náo cả một vùng và luôn trong tư thế sẵn sàng để bay đi.

Sếu đầu đỏ

Mùa sinh sản chính của Sếu đầu đỏ từ tháng 5 đến tháng 11. Khi bắt đầu vào mùa sinh sản, những con trống sẽ bắt đầu thực hiện những điệu nhảy kết hợp với tiếng gọi nhằm thu hút bạn tình của mình. Tập tính kêu gọi bạn tình của chúng là tập hợp hàng loạt các động tác như chạy, nhảy, vỗ cánh và vảy đất, cỏ văng tum tóe. Khi nhảy, đầu của chúng sẽ hường xuống dưới và khi thực hiện tiếng gọi giao phối lưng, đuôi và mỏ hướng thắng lên trên (Tomar và Chouksey, 2018).

Sau khi thu hút được bạn tình của mình, chúng sẽ bắt đầu giao phối, xây tổ và sinh sản. Sếu đầu đỏ bắt đầu làm tổ 12-15 ngày trước khi bắt đầu đẻ trứng. Cả con trống và mái đều sẽ tham gia vào việc thu thập vật liệu làm và xây dựng tổ (Mukherjee và cộng sự, 2000). Tổ của chúng được xây dựng bằng các vật liệu từ các loài thực vật cả dưới nước và trên cạn. Tổ Sếu đầu đỏ thường có dạng hình tròn, hơi lõm ở giữa và có đường kính gần hai mét và đủ cao để ở trên vùng nước nông xung quanh.

Ngoài ra, một số nghiên cứu đã cho thấy được loài Sếu đầu đỏ sử dụng các loại cây bụi và thảo mộc cụ thể để đảm bảo sức khỏe, vệ sinh với mục đích bảo vệ với trứng của chúng (Swapna và cộng sự, 2011; Mukherjee và cộng sự, 2014). Sếu thường đẻ từ 1 đến 3 trứng trong một mùa sinh sản.

Mùa sinh sản của nó trùng với lượng mưa lớn trong gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9. Các cánh đồng lúa, bờ ruộng và các vùng nước gần ruộng lúa đã trở thành môi trường sống lý tưởng hơn cho sếu vì các địa điểm làm tổ tập trung gần các khu vực có nhiều nguồn thức ăn. Sếu đầu đỏ, mặc dù có khả năng tận dụng vùng đất ngập nước liền kề với ruộng lúa ngập nước, nhưng cũng có khả năng tận dụng môi trường sống khô hạn hơn so với các loài sếu khác. Chúng cũng đã thích nghi tốt với sự gia tăng hoạt động của con người (Yaseen và cộng sự, 2013).

Hiện trạng và giải pháp

Hiện nay, số lượng loài Sếu đầu đỏ đang bị giảm sút nghiêm trọng do mất đi sinh cảnh sống và nguồn thức ăn ưa thích. Nguyên nhân chủ yếu là do, diện tích sinh cảnh sống chủ yếu của Sếu bị con người khai thác để trồng lúa nhiều vụ. Bên cạnh đó, để có thể đạt được năng suất lúa tốt, người dân đã lạm dụng các hóa chất nông nghiệp điều này đã ảnh hưởng nghiệm trọng đến nguồn thức ăn của Sếu cũng như trứng của Sếu bị nhiễm độc và không thể nở.

Mặt khác, việc đào rãnh, đào kênh và đập thủy điện ở thượng nguồn trữ nước để đề phòng cháy rừng điều này đã phá vỡ cấu trúc, thay đổi thủy văn hệ sinh thái đất ngập nước. Khi đến mùa nước nổi, nước không về nhiều dẫn đến không thể làm trôi bả thực bì và không giúp cho thực vật phát triển, đặc biệt là củ năng kim (thức ăn ưa thích nhất của sếu).

Tình trạng bảo tồn loài Sếu đầu đỏ trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và Danh mục đỏ Thế Giới (IUCN 2020) được xếp loại VU – Vulnerable (Sắp nguy cấp)

Sếu đầu đỏ - 1 loài chim biểu tượng của vùng đất Đồng Tháp Mười

Để có thể mang loài Sếu đầu đỏ trở lại với Việt Nam, tại Vườn quốc gia Tràm Chim đã mở rộng hợp tác với Hiệp hội Vườn thú Việt Nam, Tổ chức Công viên Động vật học Thái Lan, Hội Sếu Quốc tế nhằm mục đích triển khai kế hoạch chăn nuôi và tái thả đối với các cá thể sếu được đem về từ Thái Lan.

Được biết, thời gian tới việc phục hồi và phát triển đàn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại môi trường tự nhiên. Trong vòng 10 năm từ năm 2023 đến 2033, mục tiêu của dự án là nuôi thả 150 cá thể sếu với tối thiểu 100 cá thể sống sót. Đàn sếu thả ra sẽ có thể tự sinh sản và tự tồn tại ngoài tự nhiên.

Tổng kết

Đó là những thông tin về loài Sếu đầu đỏ mà WANEE Vietnam xin gửi đến. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ hiểu hơn về loài chim biểu tượng của Đồng Tháp Mười. WANEE hy vọng vào thời gian không xa thì loài Sếu này có thể quay trở lại Việt Nam để tụi mình và bạn có thể tận mắt chim ngưỡng loài chim tuyệt vời này ^^.

Chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời và tiếp tục đồng hành cùng WANEE nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *