Rùa Hoàn Kiếm loài rùa nước ngọt lớn nhất này cũng được coi là loài rùa nguy cấp nhất thế giới.

Giới thiệu:

Loài rùa Hoàn Kiếm (còn có tên là giải Swinhoe, Rafetus swinhoei), là loài rùa mai mềm khổng lồ được miêu tả lần đầu tiên vào năm 1873, nhưng hiện có rất ít nghiên cứu về loài.

Loài rùa nước ngọt lớn nhất này cũng được coi là loài rùa nguy cấp nhất thế giới. Do đó, loài rùa này được đánh giá là Cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách đỏ IUCN (2019), và nằm trong số 25 loài rùa cạn và rùa nước ngọt nguy cấp nhất thế giới theo nghiên cứu của Liên minh bảo tồn rùa (2018).

rùa hoàn kiếm
Rafetus swinhoei. Nguồn: asianturtleprogram.org

Môi trường sống: sông, hồ lớn và vùng đất ngập nước lân cận.

Phân bố: từng sinh sống trong các hệ thống sông lớn ở miền bắc Việt Nam và khu vực phía nam Trung Quốc.

Các mối đe dọa: Nguyên nhân chính là mất môi trường sống, bị săn bắt và buôn bán, chủ yếu là tiêu thụ tại các địa phương.

Những nổ lực hết sức để nhằm bảo tồn loài rùa vô cùng quý hiếm này:

  • Ở nước ta,

Vào năm 2003, Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP) đã thực hiện nhiều cuộc khảo sát, phỏng vấn loài rùa Hoàn Kiếm này trên 20 tỉnh miền Bắc Việt Nam.

Trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu tìm thấy 7 mai và hộp sọ của rùa Hoàn Kiếm (Rafetus swinhoei) và một bức ảnh chụp của một cá thể được người dân bắt được và chụp lại, cùng nhiều khu vực cho thấy có sự xuất hiện trước đây của loài rùa Hoàn Kiếm mang lại hy vọng có thể còn một số quần thể còn sót lại. Việc quan sát tìm kiếm rùa Hoàn Kiếm tiếp tục được duy trì ở các khu trọng điểm.

Đến năm 2007, tin vui đến, hình ảnh rùa Hoàn Kiếm hoang dã được ghi nhận đầu tiên ở hồ Đồng Môn ngoại thành Hà Nội, đây là cá thể thứ 4 trên thế giới ở thời điểm này (1 cặp ở Trung Quốc, 1 cá thể ở hồ Gươm và 1 cá thể ở hồ Đồng Môn này).

Sau phát hiện này, dự án rùa Hoàn Kiếm được duy trì xuyên suốt tháng 1/2007 trên hồ Đồng Môn này và cùng với hoạt động giáo dục bảo tồn trong các nhà trường được ATP phối hợp với Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) tiếp tục triển khai tại khu vực dự án. Đồng thời các cán bộ của ATP bắt đầu việc tuần tra, theo dõi thường trực quanh khu vực và tổ chức các buổi truyền thông tới những ngư dân trên hồ.

Vào tháng 11/2008, các cơ quan chức năng và tổ chức bảo tồn đã giải cứu một cá thể rùa nặng 69kg, dài khoảng 90cm bị săn bắt và buôn bán ở một địa bàn gần hồ Đồng Mô.

Đây là cá thể rùa Hoàn Kiếm bị trôi ra khỏi hồ do vỡ đập Đồng Môn trong mùa lũ. Chính quyền và cộng đồng địa phương, Hạt Kiểm lâm thị xã Sơn Tây và Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) đã cùng ATP vận động, đem thả rùa trở về hồ trong cùng ngày.

<strong>Rùa Hoàn Kiếm</strong>
Rafetus swinhoei bị bắt khi trôi dạt theo mùa lũ. Nguồn: asianturtleprogram.org

Đến năm 2016, sự chú ý của ATP/IMC bắt đầu hướng tới hồ Xuân Khanh (chỉ cách hồ Đồng Môn vài km) sau khi được người đánh cá thông báo có một con rùa mai mềm lớn tại hồ và bắt đầu quan sát, phỏng vấn nhưng vẫn không có ảnh chụp hay bằng chứng rõ ràng nào xác nhận có rùa Hoàn Kiếm ở đây.

Đáng buồn thay trong thời gian này, cá thể cụ Hoàn Kiếm ở Hồ Gươm đã chết khiến cho số lượng rùa Hoàn Kiếm tại thời điểm này giảm xuống còn 3 cá thể.

Để tránh việc chờ đợi quá lâu, tháng 12/2017, ATP/IMC đã hợp tác với Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam (WCS Vietnam) và phòng thí nghiệm thuộc Đại học bang Washington (Mỹ) để tiến hành thu mẫu gen môi trường (eDNA) và phân tích nhằm xác nhận cá thể ở hồ Xuân Khanh.

Cuối cùng những nỗ lực đã được đền đáp, tháng 4/2018, ATP/IMC đã xác nhận cá thể thứ 2 tại hồ Xuân Khanh và đã tuyển một cán bộ địa phương ở đây liên tục quan sát và tìm hiểu thêm về cá thể rùa hoang dã và khó quan sát này ngay sau đó.

Nhờ những nổ lực không ngừng nghỉ của các cán bộ bảo tồn mà đến ngày 20 tháng 8 năm 2020, anh Nguyễn Văn Trọng, cán bộ thực địa tại hồ Đồng Mô của ATP/IMC đã chụp lại được khoảnh khắc hai cá thế rùa Hoàn Kiếm (1 cá thể lớn và 1 cá thể thứ hai nhỏ hơn) cùng xuất hiện tại một địa điểm. Điều này giúp xác nhận rằng ở hồ Đồng Môn có ít nhất hai cá thể rùa Hoàn Kiếm. 

<strong>Rùa Hoàn Kiếm</strong>
Cá thể rùa thứ 2 ở hồ Đồng Môn. Nguồn: asianturtleprogram.org

Còn một việc quan trọng nữa là làm sao để xác định giới tính của các cá thể rùa Hoàn Kiếm ở Việt Nam để mở ra cơ hội nhân giống cho loài rùa này.

Thế là nhanh chóng, tháng 9 năm 2020, nhóm thực địa bao gồm ngư dân địa phương, cán bộ Chi cục Thủy sản Hà Nội, tổ chức IMC và tổ chức WCS đã dành nhiều tuần để thả lưới, khoanh vùng khu vực bẫy bắt, đảm bảo quan sát được rùa trong khu vực 90ha được ngăn bằng lưới, thay vì 1,400ha diện tích toàn bộ hồ nhằm có thể bắt được cá thể rùa Hoàn Kiếm.

May mắn thay, vào ngày 22 tháng 10 năm 2020, cá thể rùa được nhìn thấy bên cạnh hàng rào lưới và nhóm thực hiện đã nhanh trí quây bắt và được đưa vào bể nuôi tạm thời trên một đảo nhỏ tại hồ. Chỉ trong vòng vài giờ, đội ngũ thú y từ WCS, ATP/IMC, và bác sĩ thú y quốc tế từ trung tâm cứu hộ gấu Four Paws Viet đã có mặt, với thiết bị siêu âm để thu mẫu và xác định giới tính cá thể này.

Sang ngày 23 tháng 10 năm 2020, cá thể rùa được kiểm tra sức khỏe, được siêu âm, gắp chip, các loại mẫu đã được thu thập để xác định loài phục vụ cho kế hoạch bảo tồn trong tương lai, và được cân đo với trọng lượng là 86kg và dài 1m. Như tất cả mọi người đều hy vọng, cá thể cái này hoàn toàn khỏe mạnh và đã được thả lại xuống hồ vào cùng ngày.

<strong>Rùa Hoàn Kiếm</strong>
Nguồn: asianturtleprogram.org
<strong>Rùa Hoàn Kiếm</strong>
Nguồn: asianturtleprogram.org
  • Ở Trung Quốc:

Trung Quốc đã tiến hành nhiều nỗ lực trong việc nhân giống, thụ tinh nhân tạo cá thể rùa cái. Vào năm 2008, hai cá thể rùa Hoàn Kiếm, một đực và một cái, được đưa đến sở thú Tô Châu để ghép đôi trong khuôn khổ chương trình nhân nuôi bảo tồn do TSA và WCS (Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã) – chương trình Trung Quốc khởi xướng.

Vì con đực không thể giao phối tự nhiên do đã có một vết thương cũ từ cuộc chiến với con đực khác, việc thụ tinh nhân tạo đã được thực hiện. Một nhóm bao gồm các chuyên gia quốc tế đã thu thập tinh dịch của con đực và cấy vào ống dẫn trứng của con cái để đảm bảo quá trình thụ thai thành công. Tuy nhiên mọi nỗ lực đều bất thành.

Ngày 12/4/2019, nhóm nghiên cứu đã thực hiện thụ tinh nhân tạo lần thứ 5 tại vườn thú Tô Châu, Trung Quốc. Đáng buồn thay, lần này cá thể cái đã không tỉnh lại và chết sau 24h tiến hành thụ tinh nhân tạo. Khiến cho đến hiện tại Trung Quốc chỉ còn 1 cá thể rùa Hoàn Kiếm đực.

Tóm lại

Ở thời điểm hiện tại thì tổng số lượng rùa Hoàn Kiếm được ghi nhận là 4 cá thể: 1 cá thể đực ở Trung Quốc, 3 cá thể ở Việt Nam (1 cá thể ở hồ Xuân Khanh, 2 cá thể ở hồ Đồng Môn: trong đó ghi nhận được 1 cá thể mang giới tính cái).

Khi đọc đến đây, bạn cũng đã thấy rằng đây là một trong những loài đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng vì thế chúng ta hãy cùng chung tay bảo vệ loài rùa Hoàn Kiếm này. Hy vọng với những nỗ lực của chúng ta, loài rùa Hoàn Kiếm này sẽ không bị tuyệt chủng.

<strong>Rùa Hoàn Kiếm</strong>
Nguồn: asianturtleprogram.org

Tổng hợp by Thịnh Trần – Wanee.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

wanee_outdoor_shop