Chim Điêng Điểng hay còn được gọi là chim Cổ Rắn, chúng là loài chim bạn có thể dễ dàng nhìn thấy tại Vườn Quốc gia Tràm Chim tỉnh Đồng Tháp. Mặc dù chúng được xếp vào loài chim quý hiếm thuộc nhóm 1B nằm trong sách đỏ Việt Nam (2007) có nguy cơ tuyệt chủng và thuộc mức độ Endangered – EN trong danh lục đỏ thế giới (IUCN Red list). Nhưng bạn lại có thể dễ dàng nhìn thấy chúng tại Vườn Quốc gia đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long này.

Hãy cùng WANEE tìm hiểu về loài chim thú vị này nhé! Chắc chắn sẽ làm khơi dậy sự tò mò khám phá và mong muốn nhìn thấy chúng.

Chim Điêng Điểng - Loài chim dễ quan sát tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Nguồn: Sưu tầm

Phạm vi địa lý

Chim Điêng Điểng (Oriental Darter) có tên khoa học là Anhinga melanogaster thuộc họ Anhingidae có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ có thể được tìm thấy xa về phía tây Pakistan và xa về phía bắc biên giới Ấn Độ Nepal. Chúng thường sống ở Ấn Độ, Lào, Myanmar, Campuchia, Việt Nam, Sri Lanka, Singapore, Thái Lan, Malaysia, cả ở các quốc đảo Philippines và Indonesia. 

Môi trường sống chim Điêng Điểng

Môi trường sống ưa thích của chúng chủ yếu là những vùng đất ngập nước như cửa sông, ao hồ hay vùng nước ngọt nội địa hay đầm lầy. Chúng thường đậu chủ yếu trên những cây khô, bụi tre xung quanh môi trường nước và thường sẽ làm tổ trong những quần thể cây lớn rậm rạp. (“Anhinga melanogaster”, 2012; Baker, 1929; Birdlife International, 2008; Birdlife International, 2012; Blanford, 1898; Keswal, 1886; Neelakantan, 1976; Whistler, 1949).

Chim Điêng Điểng
Nguồn: Nguyễn Hoài Bảo

Chính vì thế, tại Vườn Quốc gia Tràm Chim nói riêng, với đặc trưng là hệ sinh thái ngập nước quanh năm đáp ứng đầy đủ nhu cầu về môi trường sống của chúng về nguồn thức ăn cũng như nơi cư trú, do đó bạn có thể dễ dàng nhìn thấy chúng nhất tại đây.

Hình thái và ngoại hình

Chim Điêng Điểng là một loài chim cổ dài, có kích thước và hình dạng tương tự chim cốc. Trung bình, A. melanogaster có chiều dài từ 850 đến 900 mm. Nó sở hữu mỏ dài và thẳng, cổ dài, đuôi dài (từ 202 đến 240 mm) và chân có màng. Cánh có chiều dài từ 331 đến 357 mm. Thông thường, con đực trưởng thành lớn hơn một chút so với con cái. Lông của của chúng có khả năng bán thấm nước, hỗ trợ cho việc bơi lội. (“Anhinga melanogaster”, 2012; Blanford, 1898; Pennant, 1790; Sharpe & Ogilvie, 1898; Whistler, 1949; WoRMS, 2011).

Anhinga melanogaster cũng sở hữu một khúc khuỷu ở các đốt sống thứ 7, 8 và 9, cho phép cổ chúng cử động ngoạm đột ngột để bắt cá. Chính vì hành vi này mà chúng được đặt với cái tên là “Darters” (Whistler, 1949)

Chim Điêng Điểng - Loài chim dễ quan sát tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Nguồn: Nguyễn Hoài Bảo

Chim Điêng Điểng đực và cái trưởng thành khá giống nhau về màu sắc. Đỉnh đầu và cổ sau của chúng có màu nâu và phía sau đầu có màu hơi đen. Mỏ của chúng dài, màu vàng và có răng cưa dọc theo mỗi mép. 

Mặt dưới cổ của chúng có màu trắng; cũng có một đường trắng dọc theo mỗi bên đầu của chúng. Lưng và đuôi dài của chúng có màu đen. Đuôi của chúng bao gồm 12 chiếc lông vũ. Tuy nhiên, đôi cánh của chúng có lông đen xen kẽ với lông trắng. Chân của chúng có màu đen; bàn chân của chúng có bốn ngón và có màng. (“Anhinga melanogaster”, 2012; Blanford, 1898; Pennant, 1790; Sharpe và Ogilvie Grant, 1898; Whistler, 1949; WoRMS, 2011)

Chim Điêng Điểng - Loài chim dễ quan sát tại Vườn Quốc gia Tràm Chim

Con non có màu sắc khác nhiều so với con trưởng thành. Đỉnh và cổ sau của con non có màu nâu nhạt hơn. Mặt dưới cổ của chúng có màu trắng, nhưng không có các đường trắng ở hai bên cổ. Lông cánh trắng của Darters có màu trắng vàng hơn ở những con non. (Blanford, 1898; Sharpe và Ogilvie Grant, 1898)

Chim Điêng Điểng có thể thay lông và rụng nhiều lông đến mức chúng không thể bay trong vài ngày. Chúng thường có vẻ ngoài “nhàu nát” trong giai đoạn này. (Sinclair, 1899)

Sinh sản

Khi vào mùa sinh sản, loài chim Điêng Điểng thường chỉ kết đôi với một con mái trong vòng đời của mình và sinh sản theo các đàn. Con đực thu hút bạn tình bằng các màn biểu diễn vỗ cánh. Chúng xây tổ bằng những cành cây với đường kính khoảng 40 đến 50 cm và xếp bằng lá. 

Những chiếc tổ này thường ở trên cây nhô ra mặt nước và có thể được tái sử dụng từ năm này sang năm khác. Cả con trống và con mái đều bảo vệ tổ và con non bằng cách nhảy, rít và ngoạm nếu bị đe dọa. Chúng sẽ giao tiếp với nhau thông qua tiếng kêu, cũng như hành động vỗ cánh. (“Anhinga melanogaster”, 2012; Baker, 1929; Blanford, 1898; Whistler,1949).

Chim Điêng Điểng - Loài chim dễ quan sát tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Nguồn: Sưu tầm

Mùa sinh sản của chim Điêng Điểng có thể kéo dài vài tháng, cho đến cả năm, tùy thuộc vào ảnh hưởng của gió mùa đối với mực nước trong vùng. 

Sau khi giao phối, trứng được cả con trống và con mái ấp từ 25 đến 30 ngày trước khi nở. Trứng thường sẽ nở không đồng đều, có trứng nở trước và nở sau. Những quả trứng này có hình bầu dục và được bao phủ bởi một lớp phủ màu trắng xanh (có thể chuyển sang màu nâu do quá trình ấp trứng). Bên dưới lớp phủ này, quả trứng có màu xanh lam nhạt. (“Anhinga melanogaster”, 2012; Baker, 1929; Blanford, 1898; Whistler, 1949)

Con non sẽ rời tổ và sống độc lập vào khoảng 50 ngày tuổi. Sự trưởng thành và bắt đầu giao phối sẽ vào khoảng 2 tuổi. Sau khi nở, những con non được cả bố và mẹ chăm sóc. Trong vài tuần đầu tiên, con non được bố mẹ cho ăn bằng cách nôn thức ăn ra và được cho ăn từ 6 đến 9 lần trong một ngày. 

Tuổi thọ của chim Điêng Điểng

Tuổi thọ trung bình của A. melanogaster là 9 năm trong tự nhiên. Cá thể già nhất được biết đến đã chết trong điều kiện nuôi nhốt ở tuổi 16. (“Anhinga melanogaster”, 2012)

Tập tính và hành vi

Loài chim Điêng Điểng này dành phần lớn thời gian để ngủ hoặc bơi lội. Vì lông của chúng không hoàn toàn không thấm nước nên chúng hấp thụ nước và ít nổi hơn, cho phép bơi và lặn nhanh hơn. Chúng bơi với đôi cánh mở rộng và chèo bằng chân có màng. 

Chim Điêng Điểng - Loài chim dễ quan sát tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Nguồn: Sam Thuong

Sau khi bơi, những con chim sẽ ngồi trên cành cây dưới ánh nắng mặt trời và dang rộng đôi cánh của chúng để rỉa lông và để chúng khô ráo. 

Chim Điêng Điểng có thể ngồi trên mặt nước hoặc bơi lội liên tục. Trong khi bơi, chỉ có đầu và cổ của chúng lộ ra, phần còn lại của cơ thể chìm trong nước. Chúng có thể đột ngột lặn xuống từ trên mặt nước hoặc từ cành cây. Khi bay, chim Điểng Điểng khá giống chim cốc đế. Chúng là loài bay rất khỏe và có thể bay rất xa mà không cần đập cánh nhiều lần, cách chúng bay như đang lướt trên bầu trời. (Keswal,1886)

Tập tính lãnh thổ và di cư

Chim Điêng Điểng thường sống thành đàn lớn lên tới vài trăm cá thể. Lãnh thổ của chúng thường sẽ đậu gần nhau trong các khu vực nhiều cây cối hoặc các lùm tre.  

Thông thường, chim sẽ sống gần và xây tổ bên cạnh các đàn chim cốc và diệc. Thông thường, chim Điêng Điểng không di cư; tuy nhiên, những cá thể sống ở các khu vực thiếu thức ăn hay môi trường không đảm bảo chúng sẽ di cư đến các khu vực khác. (Birdlife International, 2008 ; Birdlife International, 2012 ; Neelakantan, 1976; Whistler, 1949)

Giao tiếp với nhau

Những con chim Điêng Điểng giao tiếp với nhau, chủ yếu thông qua các tiếng kêu. Cách gọi đặc biệt của chúng là tiếng “kah-kah-kah” giống như tiếng kêu khàn khàn, với tiếng rít và tiếng lách cách. Giọng của Darters tương tự như giọng của chim cốc, nhưng chúng trầm hơn một chút. Trong khi sinh sản, bạn tình gọi nhau và sẽ giao tiếp qua hành động, vũ điệu vỗ cánh. 

Khi bị con người tiếp cận hoặc bị bất ngờ, chúng thường nghểnh cổ và vỗ cánh, có thể là để cảnh báo những con khác xung quanh. 

Tập tính ăn uống

Chim Điêng Điểng được biết đến nhiều nhất với cái cách mà chúng bắt cá. Chúng có thể lặn khỏi chỗ đậu của mình hoặc lặn khỏi mặt nước để từ từ rình rập hoặc đuổi theo cá. Đôi khi chúng sẽ đợi cá nổi lên mặt nước hoặc bơi qua. Lúc này, chúng sẽ tìm cách thò cổ ra để chọc thủng con cá. 

Chim Điêng Điểng - Loài chim dễ quan sát tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Nguồn: Nguyen Phi Son

Để thực hiện được chuyển động đột ngột này là do cổ của chúng có đốt khuỷu ở đốt sống thứ 7 đến thứ 9. Sau khi con mồi của chúng bị đâm, chúng nổi lên mặt nước và hất con cá lên không trung,sau đó há miệng nuốt chửng. Ngoài ra, chúng cũng có thể nuốt chửng cả con cá ngay khi bắt được ở dưới nước, thay vì đâm con cá và hất lên khỏi mặt nước.

Thức ăn ưa thích của chim Điêng Điểng thường sẽ là cá, nhưng chúng còn có thể ăn những loài khác như bò sát sống dưới nước (rùa, rắn nước) và động vật lưỡng cư (ếch, cóc), tôm, động vật thân mềm, nhiều loại cỏ và hạt thực vật. Tuy nhiên, sự hiện diện của những thực phẩm thực vật này trong dạ dày của chúng có thể là do ngẫu nhiên. (Dostine và Morton, 1989)

Vai trò chim Điêng Điểng trong hệ sinh thái

Chim Điêng Điểng là vật chủ của một số loại giun tròn ký sinh khác nhau bao gồm Schwartzitrema anhinga, Contracaecum rudolphii, Contracaecum carlisleiContracaecum microcephalum và Contracaecum tricuspis

Các nghiên cứu đã tìm thấy những tuyến trùng này có trong đường tiêu hóa của chim Điêng Điểng; tuy nhiên, nghiên cứu chỉ báo cáo rằng vật chủ là Anhinga melanogaster và không phân biệt giữa các loài phụ của Darters phương Đông và Châu Phi. Mặc dù chúng là loài ăn cá, nhưng tác động của chúng đối với quần thể cá và môi trường nói chung vẫn chưa được biết. (Barson và Marshall, 2004 ; Gupta, 1964 )

Loài hội sinh/ký sinh

  • Schwartzitrema anhingi (lớp Trematoda; ngành Platyhelminthes)
  • Contracaecum rudolphii ( lớp Secernentea; ngành Nematoda)
  • Contracaecum carlislei (lớp Secernentea; ngành Nematoda)
  • Contracaecum microcephalum (lớp Secernentea; ngành Nematoda)
  • Contracaecum tricuspis ( lớp Secernentea; ngành Nematoda)

Tình trạng bảo tồn

Chim Điêng Điểng được liệt kê là một loài nguy cấp bởi IUCN. Chúng hiện đang bị đe dọa do mất môi trường sống (thông qua việc rút cạn nước, chặt cây, xâm nhập các khu vực sinh sản và kiếm ăn), cũng như thu thập trứng, săn bắn và ô nhiễm môi trường. Ô nhiễm có thể là do dòng chảy hóa chất hoặc tảo nở hoa trong môi trường sống của chúng. 

Tổng kết

Đây là những thông tin thú vị về loài chim Điêng Điểng mà WANEE Vietnam muốn gửi đến bạn. Hy vọng chúng sẽ là thông tin hữu ích dành cho bạn khi bạn muốn tìm hiểu về loài chim này. Đặc biệt, nếu bạn muốn nhìn thấy chúng thì đừng quên ở đầu bài viết mình đã giới thiệu nơi mà bạn có thể nhìn thấy chúng dễ nhất nhé.

Chúc bạn có những trải nghiệm tuyệt vời! Xin chào và hẹn gặp lại các bạn ở những bài viết tiếp theo.

Đọc thêm: Sếu đầu đỏ – 1 loài chim biểu tượng của vùng đất Đồng Tháp Mười

THÔNG TIN THAM KHẢO

2012. “AnAge entry for Anhinga melanogaster” (On-line). AnAge: The Animal Ageing and Longevity Database. Accessed October 12, 2012 at http://genomics.senescence.info/species/entry.php?species=Anhinga_melanogaster.

2012. “Anhinga melanogaster” (On-line). Life in the Suburbs. Accessed October 12, 2012 at http://keys.lucidcentral.org/key-server/data/03050501-000c-4503-8203-0a030507090d/media/Html/Anhinga_melanogaster.htm.

Baker, E. 1929. Anhinga melanogaster. The Indian Darter or Snake-bird. Pp. 282-283 in E Baker, ed. The Fauna of British India Including Ceylon and Burma, Vol. 6, 2 Edition. London: Taylor and Francis. Accessed October 23, 2012 at http://archive.org/stream/BakerFbiBirds6/BakerFBI6#page/n322/mode/1up.

Birdlife International, 2012. “Anhinga melanogaster” (On-line). IUCN Redlist of Threatened Species. Version 2012.1. Accessed October 12, 2012 at http://www.iucnredlist.org/details/106003662/0.

Birdlife International, 2008. “Oriental Darter Anhinga melanogaster” (On-line). Birdlife International. Accessed October 12, 2012 at http://www.birdlife.org/datazone/speciesfactsheet.php?id=3662.

Blanford, W. 1898. Plotus melanogaster. The Indian Darter or Snake-bird. Pp. 344-345 in W Blanford, ed. The Fauna of British India, Including Ceylon and Burma, Vol. 4, 1 Edition. London: Taylor and Francis. Accessed October 23, 2012 at http://archive.org/stream/birdsindia04oaterich#page/344/mode/1up.

Dostine, P., S. Morton. 1989. Food of the Darter Anhinga melanogaster in the Alligator Rivers Region, Northern Territory. Emu, 89: 53-54. Accessed October 12, 2012 at http://www.publish.csiro.au/?act=view_file&file_id=MU9890053.pdf.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *