Họ ếch giun (Ichthyophiidae) ở Việt Nam
Ở Việt Nam có 4 loài ếch giun thuộc 1 giống duy nhất Ichthyophis, trong đó có đến 3 loài là đặc hữu ở Việt Nam.
Họ: Ichthyophiidae
Bộ: Gymnophiona (lưỡng cư không chân)
Lớp: Amphibian (lưỡng cư)
Ếch giun Cát Lộc: Ichthyophis catlocensis

Đặc điểm nhận dạng chính
Thuộc nhóm ếch giun không có sọc vàng bên hông. Loài này được mô tả dựa trên 1 cá thể cái duy nhất. Cơ thể hình giun, tròn và chắc. Kích thước vừa phải, tổng chiều dài gần 20cm. Mõm tù, nhô ra khi nhìn bề ngang. Thân tròn có các vòng (ngấn).
Đầu hẹp hơn ở phần sau. Mắt tròn, rõ, nằm dưới 1 lớp da trong suốt hướng bên đầu, mắt nằm giữa khóe miệng với đỉnh đầu. Xúc tu nằm ở phía bên đầu, gần mắt hơn lỗ mũi. Phần gáy có các ngấn lớn, rãnh giữa các ngấn ở gáy không rõ ràng. Thân có 342 vòng ngấn và 110 đốt sống. Đuôi ngắn, có 5 vòng không liền ở vùng lỗ huyệt và 5 vòng liền phía sau. Mút đuôi thuôn và nhọn ở đầu, có phần mũ phình ra như mũ nấm. Màu xám đậm toàn thân, vùng quanh mắt, xúc tu và lỗ mũi có viền màu trắng nhạt.
Sinh cảnh sống
Thông tin về loài rất ít, mẫu vật được tìm thấy ở dưới đá tại 1 bãi cát. Khu vực này có rừng tre, nứa và mây ở núi thấp.
Phân bố:
Loài đặc hữu hẹp, hiện chỉ được ghi nhận tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, Cát Lộc, Đồng Nai ở độ cao dưới 150m.
Nguồn gốc tên loài:
Tên loài “catlocensis” đặt theo địa danh Cát Lộc, thuộc VQG Cát Tiên, tỉnh Đồng Nai, nơi mẫu vật được tìm thấy lần đầu tiên.
Ếch giun Cha Lo: Ichthyophis chaloensis

Đặc điểm nhận dạng chính:
Thuộc nhóm ếch giun không có sọc vàng bên hông. Loài mô tả dựa trên 1 cá thể cái duy nhất. Cơ thể hình giun, tròn và chắc. Kích thước vừa phải, tổng chiều dài khoảng 22cm. Mõm tù, nhô ra khi nhìn bề ngang. Thân tròn, có các vòng (ngấn) dọc thân tới mút đuôi. Đầu khá phẳng ở đỉnh, hẹp ở phần sau gáy. Mắt tròn, rõ dưới 1 lớp da trong nằm bên đầu, vị trí giữa khóe miệng với đỉnh đầu.
Xúc tu nằm ở bên đầu, gần mắt hơn lỗ mũi (khoảng 2.2 lần). Phần gáy có các ngấn lớn, rãnh giữa các ngấn ở gáy không rõ ràng. Thân có 344 vòng ngấn và 110 đốt xương sống. Đuôi ngắn, có 3 ngấn không liền nhau vùng lỗ huyệt, phần sau huyệt tới mút đuôi có 5 vòng ngấn. Mút đuôi có phần mũ phình ra. Màu xám đậm toàn thân, vùng quanh mắt, xúc tu và lỗ mũi có màu trắng nhạt.
Sinh cảnh sống:
Thông tin về loài rất ít, mẫu vật được tìm thấy dưới lá ẩm ven bờ suối đá. Sinh cảnh xung quanh là rừng thứ sinh thấp.
Phân bố:
Đây là loài đặc hữu hẹp, hiện chỉ được ghi nhận tại thôn Cha Lo, Xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình ở độ cao 621m.
Nguồn gốc tên loài:
Tên “chaloensis” đặt theo địa danh Cha Lo, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, mẫu vật được tìm thấy lần đầu tiên.
Ếch giun Koh Tao: Ichthyophis kohtaoensis

Đặc điểm nhận dạng chính:
Thuộc nhóm ếch giun có sọc vàng bên hông. Cơ thể hình giun, tròn và chắc. Kích thước toàn thân đạt tới 40cm. Mõm tù, phần đầu và gáy lớn hơn phần thân về bề ngang. Lỗ mũi bé, tròn, nằm sát mõm. Mắt hơi nhô ra, nằm ở bên đầu, giữa mõm tới đỉnh đầu. Xúc tu ở bên đầu, dài và mảnh khi còn sống, nằm khá gần khóe miệng, giữa và dưới đường mắt với lỗ mũi. Xúc tu có thể thay đổi kích thước.
Có ba vòng (ngấn) lớn ở phần gáy, vòng thứ ba tính từ đầu khá mờ. Đuôi rất ngắn, mút đuôi tù, không có phần phình dạng mũ ở chóp đuôi. Toàn thân có khoảng 344-398 vòng (ngấn) gồm cả vòng trên đuôi (4-5 cái). Vòng ở lưng liền mạch nhưng ở bụng đôi khi không liền, khoảng cách giữa các vòng khá gần nhau. Có hai sọc vàng đều nhau ở hai bên thân, chạy dọc từ sau mắt tới mút đuôi. Phần lưng có màu nâu, dưới bụng màu nâu sáng.
Đặc điểm sinh học:
Loài này hoạt động mạnh vào mùa mưa, đẻ trứng khu ẩm ướt trong hốc đất ven suối. Trứng đẻ từ 24-48 quả và có 1-2 cá thể cái cùng bảo vệ, chăm sóc. Trứng được bao bọc bởi ếch giun cái cho đến khi nở. Trứng phát triển thành con non trực tiếp không qua giai đoạn nòng nọc, nhưng con non loài này có màu đen không có sọc vàng như con trưởng thành.
Sinh cảnh sống:
Tìm thấy ở khu vực ẩm ướt dưới tán rừng thường xanh hoặc thứ sinh, đôi khi gần khu dân cư hoặc ngay trong các trang trại cà phê, ruộng lúa ven rừng. Nhiều cá thể non gặp ở khu vực bùn lầy có cỏ dày ven suối. Thường gặp khi trời mưa rất lớn. Nhiều cá thể ghi nhận chết ven đường bê tông. Sau đêm mưa rất lớn có thể gặp 1 số lượng lớn các cá thể dưới nền rừng.
Phân bố:
Loài này phân bố rộng từ Thái Lan cho tới Vân Nam (Trung Quốc) có cả Việt Nam, Lào, Campuchia.
Nguồn gốc tên loài:
Tên loài “kohtaoensis” đặt theo địa danh đảo Kohtao, Thái Lan, nơi loài này được tìm thấy đầu tiên.
Ếch giun Nguyễn: Ichthyophis nguyenorum

Đặc điểm nhận dạng chính:
Thuộc nhóm ếch giun có sọc vàng bên hông. Cơ thể hình giun, tròn và chắc. Kích thước toàn thân đạt khoảng 30cm. Mõm tù, phần đầu và gáy lớn hơn phần thân về bề ngang. Lỗ mũi bé và tròn, nằm sát mõm. Mắt hơi nhô ra, nằm ở bên đầu, giữa mõm tới đỉnh đầu. Xúc tu ở bên đầu, dài và mảnh khi còn sống, nằm khá gần khóe miệng, giữa và dưới đường mắt với lỗ mũi.
Có ba vòng (ngấn) lớn ở phần gáy, vòng thứ ba tính từ đầu khá mờ. Đuôi rất ngắn, mút đuôi tù, chiều dài đuôi khoảng 0.3cm, ngắn hơn bề ngang đuôi. Thân có khoảng 318 vòng (ngấn) gồm cả vòng trên đuôi (4 cái). Vòng ở lưng liền mạch, nhưng ở bụng đôi khi không liền. Có hai sọc vàng đều nhau ở hai bên thân, chạy dọc từ sau mắt tới mút đuôi. Phần lưng có màu nâu đá phiến, dưới bụng màu nâu sáng.
Sinh cảnh sống:
Tìm thấy ở khu vực ẩm ướt dưới tán rừng thường xanh hoặc thứ sinh, đôi khi gần khu dân cư hoặc ngay trong các trang trại cà phê. Nhiều cá thể gặp ở khu vực bùn lầy có cỏ dày ven suối. Thường gặp khi trời mưa rất lớn. Ghi nhận nhiều cá thể chết ven đường bê tông.
Phân bố:
Đây là loài đặc hữu ở Việt Nam, ghi nhận khu vực Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum và Đồng Nai.
Nguồn gốc tên loài:
Cái tên “nguyenorum” được đặt để vinh danh hai nhà khoa học Nguyễn Quảng Trường và Nguyễn Thiên Tạo. Nhằm tôn vinh những đóng góp của họ trong nghiên cứu lưỡng cư bò sát tại Việt Nam.
Thông tin thêm cho các loài ếch giun ở Việt Nam:
Họ ếch giun có đời sống chui rúc kín đáo khiến cho những gì ta biết về họ ếch giun này khá hạn chế, làm tăng sự bí ẩn và thu hút các nhà khoa học khám phá. Ngoài ra, trong họ ếch giun này người ta còn ghi nhận nhiều loài có các tuyến độc ở sau răng có thể tiết độc giống như rắn hay một số loài bò sát. Hiện tại chưa có báo cáo nào về hàm lượng độc tố của nhóm này, đặc biệt là các loài ở Việt Nam.
Tổng hợp by Thịnh Trần
Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây
bài viết mới nhất
LangBiang: Khám phá vẻ đẹp và đặc điểm địa lý của Khu Dự trữ sinh quyển
Th10
3 loài Cu li tại Việt Nam – Loài linh trưởng dễ thương và quý hiếm
Th9
26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam – Khám phá và bảo tồn
Th9
Hệ sinh thái san hô tuyệt đẹp tại Côn Đảo: Một thiên đường biển đầy sắc màu
Th9
Rùa biển tại Côn Đảo – 4 kỳ quan sinh vật và những nỗ lực bảo tồn
Th9
Động vật đặc hữu tại Côn Đảo – Kho báu sinh thái không thể bỏ qua
Th9
Bò biển (Dugong dugon) – Vẻ đẹp và sự độc đáo tại Côn Đảo
Th9
Thảm cỏ biển – Kỳ quan dưới đáy biển Côn Đảo
Th8