Chân lý sự sống bắt nguồn từ vi mạch của thảo mộc – nơi nào còn tôn trọng thiên nhiên, vận hành theo những lý lẽ mách bảo của thiên nhiên thì nơi đó duy trì được sự sống, sự thở và sự trao đổi chất. Những công dân của rừng tận thiện và bền bỉ với thời gian nhất trong hệ sinh thái có lẽ là Cây – nhân chứng lịch sử về sự biến thiên mỗi ngày của trái đất và giữ lại những ngấn tích của thời gian.

Vườn quốc gia Nam Cát Tiên được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều loại động vật quý hiếm nhưng không quên tạo nên một hệ thực vật phong phú: hệ cây gỗ lớn, cây gỗ nhỏ, cây bụi, cỏ và thực vật phụ sinh. Ở đây có 1.610 loài thực vật thân gỗ, các loại gỗ quý hiếm phải kể đến như cây cẩm lai, gõ đỏ hoặc gõ mật, căm xe hay giáng hương.

Hãy cùng WANEE tìm hiểu về 5 loài cây cổ thụ xứng đang để bạn khám phá khi trải nghiệm thiên nhiên hoang dã tại Nam Cát Tiên nhé!

Cây gõ đỏ

Khi nhắc đến Vườn quốc gia Nam Cát Tiên chúng ta không thể không nhắc đến loài cây được xem là ”báu vật” tại nơi đây đó là cây gõ đỏ hay được gọi là cây Gõ bác Đồng.

Nam Cat Tien
Nguồn: Sưu tầm

Cây gõ đỏ là loài thực vật họ Đậu (Fabaceae) nhưng lại là loại cây gỗ lớn với hình dáng thẳng tròn, cao từ 25-30 m, vỏ màu xám trắng và khá sần sùi. Gõ đỏ là loại cây phân cành thấp, lá hình trái xoan dài 5-6 cm, đầu lá nhọn. Gõ đỏ thường phát triển chậm, là loài cây thường phân bố trong rừng xanh hoặc rừng nửa rụng lá, thường mọc trên các loại đất có thành phần cơ giới trung bình, tầng đất thấp, đất bằng hay sườn thoát nước, là loại cây ưa sáng.

Cây sẽ nở hoa vào tháng 3-4 và đậu trái vào 10-11, từ một bông hoa lưỡng tính mọc ở đỉnh cành sẽ chuyển hoá thành chùm quả hình đậu. Một cây gõ cổ thụ nổi tiếng là địa điểm thăm viếng thường xuyên của du khách có tuổi đời khoảng 700 năm và cao gần 40 m với đường kính 2,5 m rất nổi tiếng trong Vườn quốc gia Cát Tiên là Cây Gõ bác Đồng.

Top 5 cây cổ thụ trăm tuổi đáng xem khi bước chân đến Vườn quốc gia Nam Cát Tiên
Nguồn: Sưu tầm

Dù là loài có sức sống mãnh liệt và khoan hoà với quần thể bao quanh chúng, được xếp vào danh mục cây gỗ quý hiếm nhóm 1 nhưng Gõ đỏ vẫn đồng thời bị xếp vào hàng sách đỏ Việt Nam bởi sự khai thác và tận thu của con người.

Cây đa

Cây đa là loài cây sống phụ sinh trên thân một cây chủ. Các loài thú như linh trưởng khi ăn quả của cây đa, chúng nhả hạt hoặc thả phân lên các cây chủ. Khi gặp được điều kiện thuận lợi, hạt sẽ nẩy mầm ngay trên thân các cây chủ. Chúng rốt ráo, bức thúc để chỉ tập trung phát triển bộ rễ và đâm sâu xuống lòng đất để thành trụ bám. Đầu tiên chỉ là những rễ nhỏ, sau đó chúng bắt đầu đan lại dính vào nhau tạo thành những vết như vết mổ đã được khâu lại.

Nam Cát Tiên
Nguồn: Sưu tầm

Qua thời gian, các “vết khâu” này sẽ mờ dần, từ từ biến mất và khiến cho ta lầm tưởng rằng đó chỉ là một cái thân duy nhất. Thế nhưng, khi dùng tay gõ vào ta sẽ không nghe được những âm thanh trầm, chắc như gõ vào các thân cây khác. Tiếng gõ vào thân cây đa nghe sẽ vang hơn, giống như bị rỗng bên trong, vì thân đa thực chất là do nhiều lớp rễ cây hợp thành.

Loài cây này có bản năng xâm chiếm không gian cực kỳ mạnh mẽ tự tạo nên những cuộn rễ chắc khoẻ như cơ bắp, chúng vừa lớn vừa siết chặt cây chủ cho đến khi cây này chết đi dần dần. Vì thế, cho nên dân gian còn gọi loài này là “cây đa bóp cổ” hay “cây đa phụ tình”. Quả là một loài cây rất thú vị để bạn khám phá tại Nam Cát Tiên đúng không nào!

Cây bằng lăng

Đến với Vườn quốc gia Nam Cát Tiên, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khu rừng Bằng Lăng tuyệt đẹp trên tuyến đường rừng đến thác Bến Cự. Khi đến đấy, bạn cứ men theo con đường rừng với cây cối dày đặc, những ánh nắng lọt qua những tán cây, tận hưởng khung cảnh thiên nhiên thuần khiết đem đến cho du khách cảm giác như đang thám hiểm những khu rừng già huyền bí.

Cây bằng lăng hay còn gọi là săng lẻ, có thể dễ dàng được tìm thấy trên các cung đường di chuyển. Loài này có gốc bạnh, thân thẳng, vỏ cây có màu nâu ngả xám vàng và bong từng mảng tạo thành các đường nét hoa văn ngẫu nhiên như thân cây ổi, hoa có màu trắng hoặc màu tím.

Top 5 cây cổ thụ trăm tuổi đáng xem khi bước chân đến Vườn quốc gia Nam Cát Tiên
Nguồn: Sưu tầm

Mối đặc biệt rất thích làm tổ và ăn thân loại cây này. Là loài cây phổ biến, mang nhiều đặc tính vùng rừng nhiệt đới với mật độ bao phủ lớn nên khi di chuyển trong Vườn quốc gia Cát Tiên khách tham quan sẽ thường xuyên nhìn thấy chúng.

Những cây bằng lăng thường bị rỗng, chỉ còn trơ lại phần vỏ bao quanh là do loài mối ăn lâu năm nhưng cây vẫn sống. Đây là một trong những yếu tố kì diệu về sự cân bằng sinh thái của thiên nhiên vì quá trình mối ăn sẽ giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy của các cây gỗ mục thành phân, tạo thành chất dinh dưỡng để nuôi cây, nhưng cũng chính là tác nhân gặm nhấm và gây hại cho cây. Các hốc mối được các loài khác như rắn, chồn, tê tê, dơi… tận dụng làm nhà.

Với nhiều hình dáng lạ kỳ từ các khối u nần, cây bằng lăng thường gây nhiều thú vị cho ai lần đầu tiên nhìn thấy. Ở Vườn quốc gia Cát Tiên có rất nhiều cây trong tình trạng này nhưng mỗi cây một vẻ khác nhau và đây được xem như là bệnh tích của cây. Các bướu cây (hay còn gọi là “nu”) muôn hình này là những khối thịt của cây và bám rất chắc vào thân, không hề bị rỗng bên trong. Những đường vân gỗ bên trong sẽ cuộn xoắn, ngẫu nhiên một cách kỳ lạ.

Cây si trăm thân

Cây si trăm thân mọc trong Vườn quốc gia Cát Tiên như một điểm nhấn dễ nhớ của vùng này. Cây bao trùm khắp mặt suối, quanh năm phủ bóng mát, với vô vàn rễ cắm chặt vào dòng nước mát. Cây si trăm thân có tuổi đời khoảng 400 năm và nay đã cao hơn 8 m.

Nam Cát Tiên
Nguồn: Sưu tầm

Một bể nước tự nhiên với diện tích hơn 600 m2 ngay cạnh cây Si trăm thân đón nhận nguồn nước suối trong lành tinh khiết bắt nguồn từ lõi rừng nguyên sinh nên không bị ô nhiễm hóa chất do con người sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất. Du khách khi tới thăm, sau một chặng đường đi bộ hay bằng xe đạp có thể dừng lại để ngâm mình thư giãn, nghỉ ngơi hoặc cắm trại.

Sẽ chẳng có gì tuyệt vời hơn được chìm đắm trong tiếng nước chảy róc rách, lắng nghe tiếng lao xao của các loài thảo mộc, được thở trong không khí trong lành và mùi thơm của thảm thực bì quấn lấy mùi lá mục.

Cây Tung

Cây tung (cây đăng) là họ cây gỗ lớn, rụng lá vào mùa khô, sống ở những khu vực đất thấp trong rừng thường xanh, nơi có độ cao không quá 500 – 700m. Thân cây màu xám pha trắng, chiều cao đạt tới 30 – 40 m với đường kính thân đến hơn 1 m đứng vững chãi trên khối rễ bạnh nổi trên mặt đất.

Top 5 cây cổ thụ trăm tuổi đáng xem khi bước chân đến Vườn quốc gia Nam Cát Tiên
Nguồn: Sưu tầm

Gỗ cây tung rất sáng và bóng nên thường bị lạm dụng khai thác để làm thùng đàn guitar, đóng guốc, hộp diêm, bàn chải gỗ, nút chai rượu… vỏ cây cũng được sử dụng như một loại thuốc bổ nhuận tràng. Cây tung cổ thụ vững chãi nằm trên cung đường vào Bàu Sấu có phần thân rất lớn với bộ rễ khổng lồ bò lan ra xa, tỏa rộng và nổi trên mặt đất để giữ thăng bằng, tạo thành các hình thù kì lạ như những con trăn, rắn, đuôi khủng long…

Đây là điểm tham quan ưa thích của rất nhiều du khách ghi ghé Nam Cát Tiên dù là lần đầu hay nhiều lần sau đó.

Tổng kết

Đây là những loài cây cổ thụ lâu năm mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho Vườn quốc gia Nam Cát Tiên. Bên cạnh đó, tại Nam Cát Tiên còn đó hệ động vật rất phong phú và đa dạng xứng đáng để bạn đến khám phá và trải nghiệm trong những ngày cuối tuần hay những dịp lễ, tết.

Vườn quốc gia Nam Cát Tiên sẽ mang bạn đến gần gũi với thiên nhiên hoang dã, thoát khỏi sự đông đúc đô thị. Mang lại cho bạn cảm giác thư thái, giảm bớt những căng thẳng và biết được nhiều kiến thức hay về thiên nhiên hoang dã tại Việt Nam.

Hy vọng đây là những thông tin bổ ích mà Wanee Vietnam gửi đến bạn. Chúc bạn có những chuyến đi vui vẻ cùng với gia đình, bạn bè và người thân của mình.



Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

wanee_outdoor_shop