“Tắm rừng” – một thuật ngữ không hề mới nhưng đang trở nên phổ biến trong thời gian gần đây khi mức độ những người bị ảnh hưởng bởi căng thẳng và stress đang ngày một tăng lên.

Tắm rừng là gì?

Cuộc sống vội vã với công việc chất chồng, những lo toan thường nhật, đã bao lâu rồi bạn không dừng lại ngắm nhìn những chồi non ở những bụi cây ven đường, hoặc những bông hoa lặng lẽ đua sắc giữa không trung. Thay vì vậy, bạn lo lắng với những mục tiêu, những con số, bạn đắm chìm vào công nghệ.

Căng thẳng trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày. Nhưng quá nhiều căng thẳng sẽ ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất của bạn. Lâu ngày sẽ dẫn đến trầm cảm, tăng lo lắng, các triệu chứng khác như đau nhức cơ thể. Vậy chúng ta phải làm cách nào để giảm thiểu những thiệt hại từ việc căng thẳng quá độ?

PHƯƠNG PHÁP CHỮA LÀNH TỪ NGHỆ THUẬT TẮM RỪNG – MỘT LIỆU PHÁP RỪNG CÂY

Sau 2 năm đại dịch, đời sống cũng dần thay đổi, chúng ta dần biết quan tâm và biết cách trân trọng cuộc sống, biết được rằng thiên nhiên có ích với chính bản thân mình như thế nào. Thời gian giãn cách xã hội, chúng ta tự trồng rau, chăm sóc cây cối, rèn luyện thể dục… Rồi khi mở cửa trở lại, chúng ta cũng cảm thấy thoải mái hơn, khỏe mạnh hơn nếu xung quanh có một vài mảng xanh từ cây cối, chúng ta dễ dàng hít thở hơn, sống có trách nhiệm hơn.

Tắm rừng là tên của một liệu pháp được bắt nguồn từ Nhật Bản – nơi có nền văn minh gắn liền với rừng. Năm 1982, Bộ Nông – Lâm – Ngư nghiệp Nhật Bản đã tạo ra thuật ngữ shinrin-yoku. Trong tiếng Nhật, shinrin có nghĩa là “rừng” còn yoku là “tắm”. Vậy shinrin-yoku có nghĩa là tắm trong môi trường rừng, hay đắm mình vào không gian rừng bằng mọi giác quan. Phương pháp này khuyến khích chúng ta chỉ cần dành thời gian trong thiên nhiên – không phải là việc tắm thực tế.

Liệu pháp này đã được phát triển từ rất lâu tại Nhật, sau đó được lan truyền vào Hàn Quốc, Đài Loan, Phần Lan và các nước châu Âu, châu Mỹ. Hiện nay liệu pháp này đã bắt đầu được biết đến ở Việt Nam để khuyến khích con người gắn kết cùng thiên nhiên như một hình thức trị liệu cảm xúc hoặc hàn gắn vết thương tâm hồn.

Tại sao rừng lại quan trọng đến vậy?

Bởi, rừng trao cho chúng ta tất cả những gì cần thiết để tồn tại. Rừng sản sinh oxy, thanh lọc không khí và làm sạch nguồn nước. Rừng phòng lũ lụt, chống xói mòn, bảo vệ đất. Rừng cung cấp thực phẩm, y phục, nơi trú ẩn, nguyên liệu chế tác đồ đạc và dụng cụ. Ngoài ra, rừng còn là nguồn dược liệu vô giá.

Lợi ích của việc tắm rừng

Ngày nay, chúng ta đang thiếu hòa hợp và xa rời khỏi thiên nhiên. Không chỉ riêng tại Việt Nam, mà trên toàn thế giới, phần lớn mọi người đều di cư về đô thị, các thành phố lớn. Theo Vụ Dân số Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050, 75% dân số thế giới sẽ sống ở các thành phố.

Không thể phủ nhận rằng, thành phố là những điểm đến thú vị với nhịp sống sôi động, mới mẻ và tràn đầy năng lượng. Và càng sống lâu ở thành phố, chúng ta lại càng thêm stress, gây ra việc phải tiêu tốn nhiều chi phí hơn cho các dịch vụ y tế. Và còn may là, chỉ cần chìm đắm vào thiên nhiên trong một khoảng thời gian ngắn cũng có thể cải thiện được sức khỏe. Chỉ 2 tiếng tắm rừng thoát ly khỏi thế giới công nghệ và sống chậm lại sẽ giúp bạn thư giãn và giải tỏa stress.

PHƯƠNG PHÁP CHỮA LÀNH TỪ NGHỆ THUẬT TẮM RỪNG – MỘT LIỆU PHÁP RỪNG CÂY

Ngay từ thời xa xưa, con người đã có nhu cầu bẩm sinh kết nối với thế giới tự nhiên như một lẽ thường tình. Bên cạnh chuyện tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh, việc tiếp xúc với thiên nhiên cũng rất quan trọng để trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc hơn. Sức khỏe chúng ta được cải thiện khi sống giữa thiên nhiên và suy giảm khi chúng ta rời xa thiên nhiên.

Có các cứ liệu đã chứng thực rằng shinrin-yoku có thể:

  • Làm giảm huyết áp
  • Giải tỏa stress
  • Cải thiện hệ tim mạch và tăng cường quá trình trao đổi chất.
  • Làm giảm lượng đường huyết
  • Tăng cường trí nhớ và khả năng tập trung
  • Ngăn ngừa tình trạng lo âu và trầm cảm
  • Tăng ngưỡng chịu đau
  • Tăng cường năng lượng cho cơ thể
  • Cải thiện hệ miễn dịch
  • Thúc đẩy quá trình sinh sản protein kháng ung thư
  • Giảm cân
PHƯƠNG PHÁP CHỮA LÀNH TỪ NGHỆ THUẬT TẮM RỪNG – MỘT LIỆU PHÁP RỪNG CÂY
PHƯƠNG PHÁP CHỮA LÀNH TỪ NGHỆ THUẬT TẮM RỪNG – MỘT LIỆU PHÁP RỪNG CÂY

Bất kể nơi nào trên thế giới có cây cỏ, nơi đó chúng ta đều vui vẻ và khỏe mạnh hơn. Hãy cùng WANEE tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này nhé?

Cải thiện giấc ngủ

Tình trạng thiếu ngủ gây ra vô số vấn đề về sức khỏe, làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh tim, thận, huyết áp cao, tiểu đường và đột quỵ. Và khi bạn duy trì việc tắm rừng thường xuyên sẽ cải thiện được giấc ngủ. Bạn ngủ ngon hơn, dù không nhất thiết phải tăng cường các hoạt động thể chất. Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi bạn đi bộ vào buổi chiều giúp cải thiện chất lượng ngủ hơn việc đi bộ vào buổi sáng.

Điều hòa tâm trạng

Để đánh giá tác động của tắm rừng đến tâm trạng có thể sử dụng bài kiểm tra POMS (Profile of Mood States – Tổng quan về trạng thái tinh thần). Đây là một bảng danh sách gồm 65 cảm xúc và bạn đánh giá mức độ đang trải nghiệm tại thời điểm hiện tại theo thang đo từ “hoàn toàn không” đến “cực kỳ nhiều”. Bạn điền bảng câu hỏi hai lần – trước và sau khi tiến hành tắm rừng. Từ đó, tự bản thân bạn có thể đánh giá mức độ cải thiện tâm trạng của bản thân và tự mình nhận ra tác động to lớn của liệu pháp tắm rừng.

Và dù đi bộ ở đâu cũng đều làm giảm cường độ lo âu, trầm cảm, giận dữ và hoang mang, nhưng CHỈ đi bộ trong môi trường rừng mới đem lại tác động tích cực đến khí lực và giảm tình trạng mệt mỏi. Đi bộ 2 tiếng trong rừng có tác động tương tự đến các thông số POMS như những chuyến đi dài ngày, vì vậy bạn không phải dành quá nhiều thời gian trong rừng.

Tăng cường hệ miễn dịch

Hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ quan trọng của cơ thể chống lại vi khuẩn, virus và khối u. Phương pháp đánh giá tình trạng hệ miễn dịch là kiểm tra hoạt động của tế bào sát thủ tự nhiên (NK) – một loại bạch huyết bào có thể tấn công và tiêu diệt những tế bào bất thường như tế bào nhiễm virus hoặc tế bào khối u. Mỗi tháng thực hiện ít nhất 1 chuyến tắm rừng là đủ để duy trì cường độ hoạt động mạnh của tế bào NK.

Bằng cách nào để thực hành shinrin-yoku?

Nghệ thuật tắm rừng là nghệ thuật kết nối với thiên nhiên thông qua các giác quan. Chúng ta chỉ cần nhận lời mời. Mẹ thiên nhiên sẽ lo liệu những chuyện còn lại.

Trước tiên, tìm một địa điểm: đừng mang theo điện thoại và máy ảnh. Hãy để cơ thể dẫn đường, cứ thư thả đi theo cái mũi của bạn. Bạn cứ nhấm nháp những âm thanh, hương sắc của thiên nhiên, hòa làm một với rừng. Để thiên nhiên tràn vào cơ thể qua tai, mắt, mũi, miệng, bàn tay và bàn chân.

PHƯƠNG PHÁP CHỮA LÀNH TỪ NGHỆ THUẬT TẮM RỪNG – MỘT LIỆU PHÁP RỪNG CÂY

Đừng lo lắng khi bạn phải vô rừng, vì trên thực tế, bạn chỉ cần đi theo lối mòn đã được đánh dấu, không cần phải đi tới những chỗ có nhiều cây cối rậm rạp và không được kiểm soát.

Kích hoạt các giác quan

  • Lắng nghe tiếng chim hót, tiếng gió reo trên những tán lá.
  • Ngắm nhìn sắc thái xanh đa dạng của rừng và từng tia nắng rọi qua cành cây.
  • Ngửi hương thơm của rừng và hít thở mùi trị liệu tự nhiên.
  • Nếm trọn vị tươi mát của không khí mỗi lần hít thở sâu.
  • Đặt tay lên thân cây, nhúng ngón tay hoặc ngón chân xuống suối, ngả mình trên nền đất.
  • Tận hưởng tinh túy của rừng, giải phóng cảm giác vui sướng và bình an bên trong bạn. Đây là giác quan thứ sáu của con người, trạng thái tinh thần.

Cách phát huy tối đa hiệu quả rừng: để tìm kiếm sự bình an và thư thái, còn tùy theo mỗi cá nhân. Hãy tìm một nơi khiến bạn cảm thấy dễ chịu và ngập tràn niềm vui trong tim.

Tìm ra hoạt động phù hợp nhất với bản thân: shinrin-yoku phù hợp với mọi tình trạng sức khỏe và có rất nhiều hoạt động trong rừng giúp bạn thư giãn và kết nối với thiên nhiên. Việc dành thời gian tìm hiểu bản thân và những điều bạn muốn làm để thư giãn trong rừng sẽ giúp bạn tiếp cận gần hơn năng lực chữa lành của rừng.

  • Đi bộ trong rừng: Yếu tố tiên quyết là không được vội vã. Đi chậm sẽ giúp bạn khai thông các giác quan, nhận biết mọi vật và hít ngửi không khí rừng. Thỉnh thoảng hãy dừng chân để thưởng thức cảnh vật xung quanh và xem thử các giác quan của bạn còn cảm nhận được điều gì khác hay không.
  • Yoga: khi thực hành yoga ngoài trời, cứ tập trung vào hơi thở và thả lỏng các cơ. Bạn có thể thực hiện một vài tư thế đơn giản hoặc ngồi bắt chéo chân sao cho thoải mái. Hít thở sâu và thưởng thức cảnh vật cũng như mùi hương xung quanh. Lắng nghe âm thanh.
  • Ăn trong rừng: bữa ăn với các loại lá cây, rau củ dại là một phần quan trọng của chương trình liệu pháp rừng. Tuy nhiên, cần cận trọng khi tìm kiếm thức ăn hoang dã trong tự nhiên.
  • Tắm suối nước nóng: ngâm mình trong nước và lắng nghe tiếng sông chảy trong khi ngắm nhìn phong cảnh núi non. Nên tắm suối nước nóng sau mỗi lần đi bộ trong rừng.
  • Các hoạt động khác: thái cực quyền, thiền, bài thực hành thở, trị liệu bằng mùi hương, lớp học mỹ thuật và làm gốm, quan sát thực vật…

Trải nghiệm tắm rừng ở đâu? bất kỳ nơi đâu miễn là nơi đó có cây, bất kể trời nóng hay lạnh, mưa hay nắng… Có thể bạn sẽ có kiểu phong cảnh thiên nhiên ưa thích của mình, và muốn tới một nơi như thế để thực hành shinrin-yoku.

Bạn có thể tự đưa ra đánh giá về tuyến đường trị liệu rừng phù hợp với bản thân thông qua các tiêu chí dưới đây:

  • Độ dốc thoai thoải
  • Đường rộng
  • Đường mòn dễ nhận diện, được bảo trì tốt
  • Không có chất gây ô nhiễm
  • Không có tiếng ồn giao thông
  • Có suối hoặc thác nước, ao hoặc hồ
  • Hệ thực vật đa dạng
  • Đầy đủ ánh sáng, không quá tối
  • Dài ít nhất 5km
  • Nhiều cây cối, nhất là cây thường xanh
  • Có hướng dẫn viên hoặc chuyên gia trị liệu hoặc ban quản lý rừng.
  • Nhà vệ sinh.

Nếu bạn không sống gần rừng, vậy hãy tận dụng cây xanh trong thành phố

Cây xanh trong thành phố giúp điều hòa không khí, giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, và là bộ lọc ưu việt các loại khí thải ô nhiễm, loại bỏ vật chất dạng hạt (bụi siêu mịn) khỏi không khí, nhất là nếu thường xuyên có mưa.

Thực hành shinrin-yoku trong công viên:

  • Không mang theo điện thoại, máy ảnh, máy nghe nhạc và bất kỳ thiết bị giải trí nào.
  • Không đặt kỳ vọng.
  • Sống chậm lại, quên đi khái niệm thời gian.
  • Nắm trọn khoảnh khắc hiện tại.
  • Tìm một chỗ để ngồi – trên cỏ, dưới tán cây hoặc trên ghế công viên.
  • Để ý đến những gì nghe được hoặc nhìn thấy được.
  • Để ý đến cảm giác của bản thân.
  • Nếu được, hãy ở công viên khoảng 2 tiếng.

Giờ là lúc bạn đi sâu vào các giác quan của mình, hãy để việc tắm rừng làm cầu nối khai mở mạch cảm xúc của bạn

Âm thanh (thính giác):

Thật khó để tìm kiếm sự bình an và tĩnh lặng trong thế giới hiện đại. Tiếng ồn không chỉ gây khó chịu mà còn làm tăng huyết áp, cản trở khả năng tập trung và quấy nhiễu giấc ngủ, dẫn đến đãng trí. Khi thoát khỏi những tiếng ồn nhân tạo, bạn có cơ hội để lắng nghe những âm thanh chỉ có trong thiên nhiên. Sự tĩnh lặng của thế giới tự nhiên thực chất là một bản hòa tấu miên man diệu kỳ, không có hồi kết.

Nếu được lưu giữ vĩnh viễn một âm thanh của tự nhiên, bạn sẽ lưu giữ âm thanh nào? Tiếng mưa, tiếng lá sột soạt dưới chân, tiếng cành cây rung lắc trong gió, tiếng gió thổi, tiếng sấm, tiếng nước chảy, tiếng chim kêu…

Ở trong rừng, chúng ta có thể mặc cho đôi tai được choán đầy những thanh âm của thế giới tự nhiên, nhờ đó hồi phục các giác quan.

Cảnh sắc (thị giác):

Cảnh sắc đẹp nhất là khi mặt trời chưa lên cao, hoặc trong màn sương sớm mai phơn phớt. Ai cũng sẽ rung động trước một ngày đẹp trời, khi nắng chảy tràn qua hàng cây, tạo nên những hình thù kỳ lạ trên mặt đất.

Vậy mà, hiện nay, thứ ánh sáng nhiều nhất lại là ánh sáng màn hình – thứ chúng ta nhìn thấy khi thức dậy và cũng là thứ cuối cùng trong ngày chúng ta nhìn vào. Mắt người vốn không được cấu tạo để nhìn vào màn hình cũng như đôi mắt chúng ta không phải để ngắm nhìn cảnh quan đô thị.

Vì sao màu xanh dương và xanh lục của thiên nhiên luôn đem lại cảm giác thư thái nhất? Nơi nào có màu xanh, nơi đó có nước. Và nơi nào có nước, nơi đó có thể tìm được thức ăn. Khi bốn bề ngập tràn sắc xanh, chúng ta cho phép bản thân thư giãn. Chính vì lẽ đó, mà màu xanh có tác động tích cực đến vậy.

PHƯƠNG PHÁP CHỮA LÀNH TỪ NGHỆ THUẬT TẮM RỪNG – MỘT LIỆU PHÁP RỪNG CÂY

Nhưng, tự nhiên lại tạo ra những khuôn mẫu tuyệt mĩ trong mọi vật chúng ta ngắm nhìn: những cánh hoa, những đường xoắn ốc trên vỏ sò… Những khuôn mẫu lặp đi lặp lại vô hạn có khả năng giúp chúng ta thư giãn bất kể có phức tạp đến thế nào. Chính vào lúc tâm tưởng dâng đầy lòng thán phục trước cảnh sắc tự nhiên, giúp chúng ta sống chậm lại và thôi lo nghĩ. Nó biến cảm xúc tiêu cực thành tích cực. Nó cho chúng ta khoảng lặng để ngơi nghỉ và mang đến những niềm vui.

Mùi hương (khứu giác):

Không giác quan nào ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trí và cơ thể hơn khứu giác. Mùi hương tác động đến tâm trạng và hành vi do kết nối với cảm xúc và ký ức của con người. Một nhân tố có tác động mạnh nhất của shinrin-yokuhương thơm được cây tiết ra, tức phytoncide. Mỗi khi đi bộ trong rừng là bạn đang hít thở bầu không khí chữa lành của rừng. Tất cả những gì bạn cần làm là… có mặt ở đó.

Hương thơm của rừng phụ thuộc vào những loài cây sinh trưởng tại đó, một số có mùi hăng mát, số khác lại nồng mùi gỗ. Loại cây có mùi thơm bậc nhất là cây lá kim, bởi lẽ đó, khi đi bộ trong rừng cây lá kim, chúng ta có cơ hội để ngửi mùi hương của thế giới thuở ban sơ.

Trong rừng còn có mùi đất và còn có mùi hương thanh mát, ngọt lành của rừng sau mỗi cơn mưa.

Trong không khí còn tồn tại một thứ khiến chúng ta thấy khỏe khoắn hơn khi ở giữa thiên nhiên, một thứ không thực sự có mùi vị – ion âm, mang lại trạng thái sảng khoái, giúp tinh thần tỉnh táo và tăng cười cảm giác hạnh phúc. Ion âm đặc biệt dồi dào ở trong rừng, gần thác nước và sông suối. Thế nên đó là lý do khi đi bộ gần thác nước đem lại cảm giác tràn trề sinh lực.

Chạm (xúc giác):

Thông qua xúc giác, chúng ta mới có thể thực sự tái kết nối cơ thể với tự nhiên. Cảm nhận làn gió mơn man trên da mặt, để dòng nước suối chảy lọt qua kẽ tay, nằm xuống mặt đất, cởi giày ra và đi chân đất.

PHƯƠNG PHÁP CHỮA LÀNH TỪ NGHỆ THUẬT TẮM RỪNG – MỘT LIỆU PHÁP RỪNG CÂY

Nếu bạn không có điều kiện tắm suối nước nóng sau khi tắm rừng, hãy cởi giày ra để kết nối với Trái Đất và duy trì dòng chảy năng lượng giữa cơ thể bạn và thế giới tự nhiên. Hãy để ý cảm giác khi đi chân trần trên cát, trên cỏ hoặc trên nền đất. Đó là lúc bạn đang tiếp nhận một lượng electron có năng lực chữa lành mạnh mẽ của Trái Đất. Nếu không muốn bỏ giày, bạn có thể nhặt một hòn sỏi dưới suối, tận hưởng làn gió mát lành trên da, hoặc dựa vào một cái cây, có thể vòng tay ôm lấy cái cây đó.

Nếm (vị giác):

Bạn có thể kết nối với rừng thông qua ăn uống. Các món ăn được chế biến bằng chính các nguyên liệu tại vùng đó, thế nên bạn dễ dàng nếm mùi vị của mảnh đất nơi mình đang đi bộ. Tuy nhiên, cần hết sức cẩn trọng khi tìm kiếm thức ăn hoang dã trong tự nhiên.

Shinrin-yoku thường kết thúc bằng việc uống một tách trà pha từ lá, hoa hoặc vỏ của các cây và thảo mộc trong rừng.

Khi bạn đi bộ trong rừng, hãy tìm một dòng suối sạch có thể uống được. Dùng tay múc nước và uống tại rừng. Còn nếu không có gì để ăn và uống ở trong rừng thì hãy hít thở sâu. Bạn vẫn thưởng thức được hương vị không khí trong lành.

Mở ra giác quan thứ 6:

Phần lớn chúng ta đều đồng tình rằng tồn tại một giác quan nữa không thể diễn tả, một giác quan thứ sáu giúp chúng ta kết nối với thế giới bên ngoài bản thân. Có lẽ đây chính là giác quan hạnh phúc – điều chúng ta cảm nhận được khi ở giữa thiên nhiên, vốn khó để diễn đạt thành lời.

Khi đắm mình trong cảnh sắc kỳ vĩ, thiên nhiên cuốn đi hơi thở cũ kỹ và thổi vào chúng ta một sức sống mới. Nếu hôm nay bạn cảm thấy hạnh phúc khi ở trong rừng, bạn cũng sẽ tìm được hạnh phúc những ngày về sau. Khi cảm nhận được niềm vui đó giữa thiên nhiên, tức là bạn đang thực sự tắm rừng!

Lưu ý: tắm rừng là biện pháp phòng ngừa bệnh tật; nếu bạn bị bệnh, hãy nên đi khám bác sĩ.

Một tương lai đáng trông đợi

Lý do WANEE lựa chọn liệu pháp tắm rừng trong các chương trình về với thiên nhiên là ở giải pháp bảo tồn rừng mà shinrin-yoku mang lại. Hơn bao giờ hết, chúng ta cần duy trì và tăng cường mối quan hệ với rừng cũng như nhận thức rõ lợi ích sức khỏe của rừng.

Điều then chốt để bảo tồn rừng là duy trì mối kết nối giữa chúng ta với rừng, và một trong những giải pháp tốt nhất là nhắc nhở mọi người rằng sức khỏe của chúng ta và cộng đồng phụ thuộc vào rừng.

Rừng có thể đem đến cho bạn sức khỏe và sự sống, đổi lại, bạn sẽ muốn chăm sóc và bảo vệ rừng.

Bảo tồn rừng đô thị cũng quan trọng không kém việc gìn giữ rừng tự nhiên nhiệt đới. Mọi cây xanh đều có giá trị. Nếu mọi thành phố đều hướng đến phủ xanh đô thị, như vậy rất nhiều người trong chúng ta sẽ có được cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

Hiện nay, Wanee đang có hoạt động tắm rừng tại Núi Dinh vào 2 ngày cuối tuần. Hãy tham gia cùng Wanee để thưởng thức hương vị của rừng bằng tất cả các giác quan nhé!!! Bấm vào đây để biết thêm chi tiết!

Bài viết có tham khảo nguồn từ “Shinrin yoku – Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật” (tác giả Quing Li)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

wanee_outdoor_shop