Tổng quan về Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hoá Đồng Nai
Chỉ cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km và thành phố Biên Hòa 40 km về phía Bắc, Khu Bảo tồn Thiên nhiên – Văn hóa Đồng Nai hay còn gọi là Mã Đà là một Khu Dự Trữ Sinh Quyển (được UNESCO ngày 29/06/2011 (lần 2). Với diện tích 100.294 ha, có tài nguyên đa dạng sinh học phong phú và đa dạng, đại diện cho rừng mưa nhiệt đới miền Đông Nam bộ.

Ngoài thiên nhiên phong phú, đa dạng, tuyệt đẹp thì Khu bảo tồn còn có giá trị văn hóa, lịch sử với 3 di tích lịch sử cấp quốc gia: Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông Nam bộ và Địa đạo Suối Linh. Đây là vùng đất Chiến khu Đ anh hùng, bất khuất qua 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ xâm lược.
Tiềm năng
Đây là một trong những khu rừng đặc dụng có diện tích tự nhiên lớn nhất Việt Nam. Khu bảo tồn có hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng miền Đông Nam bộ, tồn tại nhiều loài động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong sách Đỏ Việt Nam và Danh lục Đỏ IUCN thế giới.
ĐA DẠNG SINH HỌC
Sinh cảnh
Do vị trí Khu bảo tồn nằm ở vùng địa hình chuyển tiếp từ phía Nam dãy Trường Sơn qua Đông Nam bộ xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, hệ động thực vật có quan hệ chặt chẽ với hệ động, thực vật của dãy Trường Sơn Nam.
Ưu hợp này thuộc kiểu phụ miền thực vật thân thuộc với khu hệ thực vật Malaixia – Indonexia và hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa, với diện tích lớn khoảng 26,81% diện tích khu bảo tồn, tập trung phân bố nhiều ở khu vực Hiếu Liêm, Mã Đà và một diện tích nhỏ ở Vĩnh An.
Thảm thực vật rừng trong Khu bảo tồn, gồm các kiểu rừng: kiểu rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới (Rkx); kiểu rừng kín nửa rụng lá ẩm nhiệt đới ; kiểu rừng kín rụng lá hơi ẩm nhiệt đới (Rkr).
Hệ động vật
Có khoảng 85 loài thú trong đó có tới 36 loài quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á như bò tót, voi, gấu chó… ; 259 loài chim với 21 loài chim quý hiếm, 12 loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam; 64 loài Bò Sát; 33 loài Ếch, nhái; 99 loài cá được định danh, và hơn 1.189 loài côn trùng.
Hệ Thực vật
Có 1.401 loài thực vật, thuộc 589 chi, 156 họ, 92 bộ, 10 lớp thuộc 06 ngành thực vật khác nhau ở Khu bảo tồn. Trong đó, có 06 loài thực vật đặc hữu của Đồng Nai, như: Cù đèn Đồng Nai; Lát hoa Đồng Nai; Ngâu Biên Hòa; Bướm bạc Biên Hòa; Hạ đệ; Xú hương Biên Hòa, có 02 loài hiếm được phát hiện ở Khu bảo tồn là cây Vấp thuộc họ Bứa, Thông tre thuộc họ Kim giao, cây dược liệu có 103 loài.
Cảnh quan thiên nhiên
Công viên Đá
Với diện tích khoảng 160 ha tại xã Hiếu Liêm, nằm cạnh rừng nguyên sinh rộng lớn và ven suối Bà Hào, quanh năm có nước, có nhiều ghềnh thác tự nhiên, có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, các bãi đá liên kết cạnh nhau, tạo thành một quần thể đá tự nhiên có nhiều hình thù lạ mắt hấp dẫn, cạnh khu vực này (3 km) là di tích địa đạo Suối Linh sẽ được trùng tu vào năm 2011.
Thác Ràng

Nằm trên địa bàn xã Phú Lý, với diện tích khoảng 14 ha. Thác Ràng là một địa điểm tham quan nghỉ dưỡng lý thú. Với độ cao gần 5m thác có nước quanh năm, bao quanh thác là rừng cây gỗ đan xen lồ ô, có cảnh quan rừng tiêu biểu đại diện cho kiểu rừng kín thường xanh, rất lý tưởng cho các chuyến tham quan, dã ngoại vào mùa Hè.
Các hồ trong Khu bảo tồn
Trong Khu bảo tồn có rất nhiều hồ, như hồ Bà Hào, hồ Vườn ươm và đặc biệt có hồ Trị An, với diện tích lúc ngập nước vào khoảng 32.400 ha có xen lẫn một số đảo nhỏ trên hồ. Đây là nơi lý tưởng để phát triển nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản; mời gọi đầu tư phát triển du lịch, nhất là các môn thể thao như dù kéo, cano trượt nước; nghỉ dưỡng trên các hòn đảo giữa hồ; tham quan các làng nuôi cá bè, câu cá giải trí …

Lịch sử – Văn hóa
Tại địa bàn Khu bảo tồn có 03 di tích lịch sử được công nhận là di tích cấp quốc gia, đó là: căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ (1962-1967); căn cứ Trung ương Cục miền Nam (1961-1962); địa đạo Suối Linh. Đây là những căn cứ cách mạng trong 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân miền Đông Nam bộ, trong đó di tích căn cứ Khu ủy miền Đông và Trung ương Cục miền Nam đã được Nhà nước đầu tư trùng tu, tôn tạo.
Tại Khu bảo tồn có cộng đồng dân tộc thiểu số Chơro sinh sống gắn bó lâu đời tại xã Phú Lý, là tộc người có nhiều đóng góp cho cách mạng trong hai cuộc kháng chiến và có những sắc thái văn hóa đặc sắc riêng, trong năm 2009 Nhà nước đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhà Dài truyền thống của dân tộc Chơro.
Các loại hình du lịch
Du lịch văn hóa- lịch sử – tâm linh
Với địa danh nổi tiếng Chiến khu D, sẽ góp phần thỏa mãn nhu cầu về nguồn, tìm hiểu quá trình hình thành và phát triển của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, khơi dậy tình yêu tổ quốc, yêu quê hương; tìm hiểu về bản sắc văn hóa riêng biệt của dân tộc Chơro. Trong đó, bao gồm các yếu tố văn hóa như ăn, ở, mặc, ứng xử, giao tiếp, lễ hội dân gian, lễ hội truyền thống, …
Du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng
Yếu tố sinh thái ở Khu bảo tồn chủ yếu là rừng tự nhiên, với đầy đủ các yếu tố cơ bản, phong phú, các loài động vật hoang dã và thực vật rừng, các cảnh quan tự nhiên kỳ thú, có nhiều hồ nước lớn, đặc biệt cảnh quan hồ Trị An mênh mông trữ tình đầy lãng mạn, không khí trong lành tạo cảm giác an lành, thư giãn sau thời gian làm việc căng thẳng.
Đi theo các loại hình du lịch có các dịch vụ từ thấp đến cao, từ bán chuyên nghiệp đến chuyên nghiệp trong các lĩnh vực như: ăn uống, nghỉ dưỡng, giải trí, hình ảnh, quà lưu niệm, phương tiện đi lại, giữ, mang vác hộ vật dụng, hướng dẫn, thuyết minh…
Các tuyến du lịch trong Khu bảo tồn
Trước khi du lịch trong khu bảo tồn hãy tham khảo và trang bị cho mình nhưng món đồ tốt nhất chúng tôi có thể cung cấp cho bạn tại đây nhé!
Tuyến du lịch thuỷ điện:
Nhà máy thủy điện Trị An – làng nuôi Hươu, Nai Hiếu Liêm – lò Gốm cổ – địa đạo Suối Linh – công viên Đá – di tích căn cứ Khu ủy miền Đông – di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam – đi Bình Phước.

Tuyến du lịch hồ Bà Hào:
Trung tâm Sinh thái – Văn hóa – Lịch sử Chiến khu Đ (Bà Hào) – làng dân tộc Chơro – thác Ràng – làng dân tộc Châu Mạ (Bù Cháp) – Vườn Quốc gia Cát Tiên – đi Đà Lạt.
Tuyến du lịch Hồ Bà Hào – Đảo Ó:
Trung tâm Sinh thái – Văn hóa – Lịch sử Chiến khu Đ (Bà Hào) – Đảo Ó – Đồng Trường – làng cá bè La Ngà – đi Đà Lạt.
Tuyến du lịch xem thú đêm:
Xem thú ban đêm tại Bàu Sắn (Hiếu Liêm), Trảng Min (Rang Rang).
Mỗi tuyến du lịch có nhiều điểm dừng chân, du khách có thể đi hết hoặc đến vài điểm dừng, tùy theo yêu cầu và phục vụ các nhu cầu đi lại, thuyết minh và ăn uống cho du khách.
Điều khoản và phản hồi về việc sử dụng hình ảnh trên website này vui lòng xem tại đây
bài viết mới nhất
3 loài Cu li tại Việt Nam – Loài linh trưởng dễ thương và quý hiếm
Th9
26 loài Rùa cạn và rùa nước ngọt tại Việt Nam – Khám phá và bảo tồn
Th9
Hệ sinh thái san hô tuyệt đẹp tại Côn Đảo: Một thiên đường biển đầy sắc màu
Th9
Rùa biển tại Côn Đảo – 4 kỳ quan sinh vật và những nỗ lực bảo tồn
Th9
Động vật đặc hữu tại Côn Đảo – Kho báu sinh thái không thể bỏ qua
Th9
Bò biển (Dugong dugon) – Vẻ đẹp và sự độc đáo tại Côn Đảo
Th9
Thảm cỏ biển – Kỳ quan dưới đáy biển Côn Đảo
Th8
Côn Đảo – Khi 14 hòn đảo hòa quyện thành một thiên đường độc đáo
Th8